Nhìn lại tình hình tài chính của bản thân trong năm qua, có người thở phào nhẹ nhõm vì cũng “để dành được một ít”, cũng có người thở dài vì nhiều lý do khác nhau mà lại có thêm “1 năm xé nháp”.
Dù bạn ở trường hợp nào đi chăng nữa, lắng nghe chia sẻ của 2 bạn trẻ dưới đây, chắc chắn sẽ giúp bạn có thêm động lực lẫn bí quyết, để thay đổi cục diện trong năm 2025 sắp tới.
Tiết kiệm được mấy chục triệu, lại mua được cả vàng!
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của một cô gái 26 tuổi về thành quả trong năm 2024 đã khiến nhiều người phải nể. Với mức thu nhập 25-40 triệu đồng/tháng, cô cho biết bản thân đã tiết kiệm được 1,1 cây vàng và 30 triệu tiền mặt.
“Em là nữ, năm nay 26 tuổi, hiện chưa lập gia đình. Thu nhập của em mỗi tháng tầm 25-40 triệu. Trước kia đi làm, em cũng có dư ra nhưng hầu như không giữ lại nhiều mà biếu tặng bố mẹ hết, nhưng dần dần em cũng nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn.
Em tích góp lại lo cho tương lai. Hiện năm nay em mới bắt đầu tiết kiệm được 1,1 cây vàng, 30 triệu tiền mặt…” – Cô viết.
Thu nhập 1 tháng 25-40 triệu, nếu không tính khoản tiền giữ lại trong tài khoản để phòng thân (3-4 triệu đồng), thì hàng tháng, cô gái này chỉ chi khoảng 8-9 triệu cho các nhu cầu cơ bản. Điều đó đồng nghĩa với việc số tiền trung bình mà cô dành để tiết kiệm, và mua vàng hàng tháng sẽ rơi vào khoảng 17-32 triệu đồng.
Hoặc như một cô gái 26 tuổi khác dưới đây, cô cũng còn độc thân và cũng tiết kiệm được cả tiền mặt lẫn vàng trong năm qua.
Dù không tiết lộ mức thu nhập cụ thể, nhưng có thể thấy, cô gái này không chỉ để dành được 6-8 triệu, mà còn biếu bố mẹ được 5 triệu/tháng. Chưa kể, với khoản tiền 6-8 triệu dư ra, cô còn biết phân bổ thành tiền gửi tiết kiệm, và tiền mua vàng. Tư duy này chính là “không bỏ hết trứng vào một giỏ”, rất đáng học hỏi.
2 việc cần làm để tối ưu dòng tiền tiết kiệm
Bỏ qua việc phải quản lý chi tiêu chặt chẽ, vì đó là điều hiển nhiên, bắt buộc phải làm nếu muốn tiết kiệm được tiền. Cứ kiếm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, thậm chí, chi nhiều hơn thu, chắc chắn, dư dả là điều quá xa vời.
Nhìn lại chia sẻ của 2 cô gái phía trên, chúng ta có thể học được 2 bí quyết khá đơn giản, để giờ này năm sau nhìn lại, bản thân không còn phải thở dài “vì thêm 1 năm xé nháp”.
1 – Không “bỏ hết trứng vào một giỏ”
“Không bỏ hết trứng vào một giỏ” là nguyên tắc khá phổ biến của những nhà đầu tư. Bằng cách để vốn vào nhiều loại hình đầu tư khác nhau, chúng ta có thể dàn trải rủi ro và tránh bị động khi có biến cố tài chính.
Có thể thấy, 2 cô gái 26 tuổi này đã áp dụng rất tốt nguyên tắc ấy. Khoản tiền dư ra hàng tháng, cô chia làm 2 khoản, 1 khoản để giữ lại để phòng thân, 1 khoản để mua vàng.
2 – Mua vàng tích sản đều đặn hàng tháng
Nhiều người có dự định mua vàng, nhưng vì thấy giá vàng tăng nên lại chần chừ, cứ đợi ngày này qua ngày khác, rồi thành ra chẳng mua nữa, còn tiền thì cũng đã tiêu hết vì không kiểm soát được ham muốn mua sắm.
Trên thực tế, việc canh giá vàng tăng không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách mua vàng, nếu bạn chỉ mua 1-2 chỉ hoặc thậm chí 5 chỉ. Chỉ khi nào số vàng bạn mua tính bằng cây, thì việc giá vàng tăng mới ảnh hưởng tới ngân sách mua vàng. Chứ mua 1-2 chỉ mỗi tháng, giá vàng có lên tới đỉnh, số tiền tăng thêm cũng chỉ 200-300k, quả thực không ảnh hưởng nhiều tới ngân sách chi tiêu cho các nhu cầu khác.
Thế nên nếu đã có dự định mua vàng tích sản, điều quan trọng nhất là phải mua đều hàng tháng, đừng quá quan tâm tới biến động giá vàng. Cứ đúng ngày, đúng giờ là cầm tiền đi mua. Mua xong mang về, cất vàng vào két sắt, giữ qua 5-10 năm thì không bao giờ lo mất giá hay lo lỗ.
Nguồn: https://kenh14.vn/toi-chan-thanh-khuyen-ban-nen-hoc-2-co-gai-nay-de-vua-co-tien-tiet-kiem-vua-du-tien-mua-vang-215241229180320503.chn