Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 ước đạt 1,1 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên sau 27 tháng (từ tháng 6-2022 tới nay) kim ngạch xuất khẩu thủy sản trở lại mốc tỉ USD trong một tháng – dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Tính chung 10 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản thu về 8,3 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, Nga là thị trường có giá trị tăng mạnh nhất (tăng 95%).
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch COVID-19, chiến tranh, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm.
Trong đó các mặt hàng chủ lực đều có những bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như cá tra tăng 10% (1,7 tỉ USD), xuất khẩu tôm tăng 20% (3,2 tỉ USD), cua ghẹ tăng 59% (267 triệu USD), nhuyễn thể có vỏ tăng tới 137% so với cùng kỳ (173 triệu USD). Tuy nhiên xuất khẩu cá ngừ có xu hướng chững lại và xuất khẩu mực bạch tuộc sụt giảm.
“Xuất khẩu tôm và cá tra đều có kết quả xuất khẩu tích cực nhờ sự hồi phục về nhu cầu và giá tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc cùng với thế mạnh sản phẩm giá trị gia tăng tại các thị trường khác như Nhật Bản, Úc…
Sự hồi phục và bứt phá của các thị trường nhập khẩu chính, nhất là Mỹ, Trung Quốc đã thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng qua và những tháng cuối năm” – ông Hòe đánh giá.
Theo Vasep, trong 10 tháng qua, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang hai thị trường lớn nhất của Việt Nam đều tăng và đều đạt kim ngạch 1,5 tỉ USD, trong đó Trung Quốc tăng 37%, còn Mỹ tăng 31%.
Dự báo nếu xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng thì thị trường này có khả năng vượt Mỹ trong những tháng cuối năm để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm nay.
Đối với thị trường châu Âu, dù hồi phục chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc, nhưng tín hiệu tích cực từ mức tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản đang dần hồi phục, cho thấy triển vọng khả quan cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong các tháng cuối năm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định trong tháng 11 và 12 tới, nếu duy trì được đà xuất khẩu, mỗi tháng thu về khoảng 900 triệu USD thì xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ về đích 10 tỉ USD hoặc trên 10 tỉ USD.
Ruốc xuất khẩu vào EU gặp khó
Theo Vasep, ruốc là loài thủy sản đặc thù được ngư dân khai thác gần bờ bằng các thuyền thúng nhỏ, không cần giấy phép khai thác và không phải lắp đặt thiết bị VMS (do là thuyền dưới 15m), đa phần cập cảng vào bãi ngang, không cập nhật được phần mềm eCDT dẫn đến không đủ điều kiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) và giấy chứng nhận (C/C) cho nguyên liệu ruốc xuất khẩu sang châu Âu theo quy định hiện hành.
Hiện nay sản lượng ruốc là khá lớn ở các tỉnh miền Trung và khách hàng châu Âu lại có nhu cầu lớn về mặt hàng này.
Để gia tăng giá trị và sinh kế cho ngư dân, cũng như để việc xuất khẩu sang EU không bị ách tắc.
Vasep kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ruốc là trường hợp đặc thù để có văn bản hướng dẫn cụ thể cho phép xác nhận S/C đối với nguyên liệu ruốc cho sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường EU.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tom-cua-ca-dat-khach-xuat-khau-thuy-san-tu-tin-thu-ve-10-ti-usd-20241104000831538.htm