Chủ Nhật, Tháng Một 26, 2025
HomeThời SựTổng Bí thư: Tiến bộ là phải hướng tới miễn học phí,...

Tổng Bí thư: Tiến bộ là phải hướng tới miễn học phí, nuôi ăn học sinh

Trong phiên thảo luận tổ sáng 9/11 về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vị trí và ý nghĩa chiến lược của giáo dục và đào tạo. Trong đó, đào tạo giáo viên là trọng tâm.

“Thiếu thầy thì các cháu đi học thế nào?”

“Muốn đào tạo, giáo dục phát triển được, đầu tiên phải có thầy, có trường. Với định hướng chung của Đảng, tôi thấy phải quán triệt sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy”, Tổng Bí thư nói.

Nhưng đã nói đến thầy, phải nói đến trò. Với quan điểm tiếp cận này, Tổng Bí thư cho rằng dự thảo luật cần làm rõ và giải quyết được mối quan hệ tương quan giữa thầy và trò.

Tổng Bí thư: Tiến bộ là phải hướng tới miễn học phí, nuôi ăn học sinh - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tiến bộ là phải tiến tới miễn học phí, nuôi ăn học sinh (Ảnh: Phạm Thắng).

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của giải quyết chính sách, Tổng Bí thư cho rằng định hướng phổ cập giáo dục rồi thì phải “tiến dần lên”, theo hướng các cháu đến tuổi đi học phải được đến trường. “Nếu tiến lên nữa thì Nhà nước phải nuôi, tiến tới miễn học phí, nuôi ăn các cháu ở tuổi đi học. Tiến bộ là phải ở mức độ như vậy”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nhắc lại việc phải giải quyết tốt mối quan hệ tương quan thầy – trò, Tổng Bí thư đặt vấn đề ở mỗi phường, xã hay mỗi huyện, hàng năm có bao nhiêu cháu trong độ tuổi đến trường đều được cập nhật trên hệ thống dữ liệu dân cư. Như vậy tức là có trò rồi, phải chủ động có thầy, vì “thiếu thầy các cháu đi học thế nào?”.

Tổng Bí thư cho rằng phải giải quyết câu chuyện thiếu thầy, rồi thiếu cả quy hoạch trường học.

Câu chuyện thiếu giáo viên, không có biên chế, theo Tổng Bí thư, là câu chuyện đang rất thời sự và các chính sách phải bao quát được thực tế này.

Vấn đề khác được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra là xu thế hội nhập của đất nước. “Vậy nhà giáo hội nhập thế nào? Không nói đến chuyện đó thì rất khó khăn”, Tổng Bí thư nêu quan điểm.

Ông nhấn mạnh chủ trương phổ cập tiếng Anh trong giáo dục và cho rằng điều này phải được thể hiện rõ hơn vì thầy có tiếng Anh thì trò mới phổ cập được tiếng Anh.

“Những cái này cần phải có chính sách cụ thể để thực hiện chính sách của Nhà nước. Nếu không có thầy tiếng Anh, làm sao có trò tiếng Anh được. Thầy Toán, Văn cũng phải có tiếng Anh chứ không chỉ thầy ngoại ngữ. Phải tiếp cận, hội nhập đến như thế”, Tổng Bí thư nhắc lại đã phổ cập và coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì phải có chính sách, yêu cầu phát triển cụ thể.

Tổng Bí thư: Tiến bộ là phải hướng tới miễn học phí, nuôi ăn học sinh - 2

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 9/11 (Ảnh: Phạm Thắng).

Về chính sách học tập suốt đời, Tổng Bí thư cho rằng nếu quy định thầy đến tuổi nghỉ hưu không được giảng dạy nữa sẽ rất khó khăn, không huy động được nguồn lực. Bởi một giáo sư trong ngành giáo dục, dù lớn tuổi nhưng càng có uy tín và nhiều kinh nghiệm, cần khuyến khích tham gia công tác giáo dục, giảng dạy.

Đặc biệt, với nhà giáo ở những môi trường đặc thù như trại giam, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, theo Tổng Bí thư, phải có chính sách cụ thể.

Tổng Bí thư kỳ vọng khi Luật Nhà giáo ra đời phải thực sự tạo điều kiện cho những người làm giáo dục.

Để ngành giáo dục quản lý tuyển dụng, tránh nơi thừa nơi thiếu

Cũng góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) quan tâm đến việc giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Theo ông, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, từ tuyển dụng, đánh giá, đến đào tạo nguồn nhân lực.

Tổng Bí thư: Tiến bộ là phải hướng tới miễn học phí, nuôi ăn học sinh - 3

Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành ủng hộ giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo (Ảnh: Hồng Phong).

Vị đại biểu cho rằng cơ quan quản lý giáo dục khi được chủ trì tuyển dụng, quản lý biên chế cũng có thể chủ động trong điều động, luân chuyển, biệt phái nhân lực, hạn chế tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương.

Thực tế, ông Thành cho biết đang có tình trạng huyện này thừa rất nhiều giáo viên nhưng không thể điều sang những huyện thiếu, bởi ngành không được giao thẩm quyền về quản lý biên chế.

“Lâu nay chúng ta nói đội ngũ nhà giáo thiếu khoảng 120.000 người, trong đó 72.000 người chưa tuyển dụng được. Nguyên nhân chậm tuyển dụng là do nhiều tầng lớp, như qua phòng nội vụ rồi quay ngược lại phòng giáo dục, rồi lại quay trở về phòng nội vụ, 3-4 vòng làm chậm tuyển dụng, dẫn đến khai giảng năm học mới rồi nhưng giáo viên vẫn chưa có”, ông Thành phản ánh bất cập.

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-tien-bo-la-phai-huong-toi-mien-hoc-phi-nuoi-an-hoc-sinh-20241109131540234.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay