Đây là một trong những nội dung được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 13/2, về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Nhấn mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy mới chỉ là bước đầu, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục nghiên cứu và đánh giá, vì muốn đạt mục tiêu phải phát triển rất cao và nhanh, nhưng với bộ máy nặng nề sẽ khó phát huy hết tiềm lực.
Dẫn chứng thực tế huyện Đông Anh và quận Hoàn Kiếm của Hà Nội thu ngân sách gấp nhiều lần một số tỉnh, Tổng Bí thư cho rằng đây là điều rất đáng suy nghĩ.
![Tổng Bí thư Tô Lâm nói về việc bỏ công an cấp huyện - 1 Tổng Bí thư Tô Lâm nói về việc bỏ công an cấp huyện - 1](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Tong-Bi-thu-To-Lam-noi-ve-viec-bo-cong.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm hoan nghênh việc bỏ công an cấp huyện (Ảnh: Phạm Thắng).
“Tại sao một huyện, quận như thế, quy mô đất đai, dân số như thế người ta lại làm được, còn phạm vi của một tỉnh kinh tế lại đì đẹt như vậy. Phải mang sách vở đến mà học, phải tính toán lại, phải rút kinh nghiệm với những việc đó”, Tổng Bí thư lưu ý.
Đề cập vấn đề chính quyền quốc gia nên 3 cấp hay 4 cấp, Tổng Bí thư cho biết 80% các nước có chính quyền 3 cấp, ở Việt Nam có 4 cấp nên vừa qua, ngành công an nghiên cứu thí điểm trước, bằng việc bỏ công an cấp huyện.
Hoan nghênh chủ trương này, ông cho biết công an chính quy về xã dân rất mừng vì đây là cấp trực tiếp làm việc với dân.
“Từ đăng ký hộ khẩu, đăng ký ôtô, xe máy đến điều tra sự cố, trộm cắp, công an xã xử lý được hết, làm sao phải chờ đến huyện, tỉnh. Vậy thì công an huyện thì làm gì?”, Tổng Bí thư đặt vấn đề.
Dẫn ý kiến so sánh Trung Quốc có diện tích lớn, dân đông nhưng số tỉnh, thành ít hơn Việt Nam, Tổng Bí thư cho rằng việc này cũng cần phải nghiên cứu.
“Thực tế, có tỉnh tách ra rất phát triển, song có tỉnh nói hết đất, dư địa rồi, chỉ tính liên kết vùng, chính vì vậy mới có hội đồng vùng, liên kết vùng… Do đó, đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu. Mục tiêu đất nước phát triển, phục vụ tốt hơn nhân dân”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói những việc đó đã thấy là phải làm.
Nhiều ý kiến lo về quyền lực, phân công quyền lực, nhưng thực tế, theo Tổng Bí thư, hành chính mới quan trọng vì là nơi thực hiện vai trò phục vụ nhân dân.
Với tất cả góp ý kiến quan tâm quy định về ủy ban hành chính hay ủy ban nhân dân, có cần HĐND nữa hay không, Tổng Bí thư lưu ý đều cần nghiên cứu và kiểm nghiệm thực tế, không thể máy móc.
Hay như hệ thống cơ quan thanh tra, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải nâng cao hiệu quả thanh tra chuyên ngành để phục vụ nhân dân. Chính những cái đó mới là cải cách.
Về sắp xếp bộ ngành, Tổng Bí thư cho biết một số bộ ngành vừa có ý kiến “Bộ tôi 50-60 năm truyền thống, tự nhiên bây giờ không còn cái tên”, nhưng theo ông, tên là chức năng trong bộ máy Nhà nước, chứ không phải cứ cộng thêm vào thì phải đầy đủ tên.
“Trước đây, Bộ Công Thương sắp xếp từ 8 bộ, nếu ai cũng muốn giữ tên thì làm sao gộp vào được? Bộ Nông nghiệp ngày xưa cũng 6-7 bộ gộp vào, làm sao cái tên cộng cơ học được? Chức năng chính là gì, thì ta phải mạnh dạn nhìn nhận để làm cho thật hiệu lực, hiệu quả”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-to-lam-noi-ve-viec-bo-cong-an-cap-huyen-20250213140832927.htm