Ngày 4.11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi làm việc với nhóm chuyên gia quy hoạch Nhật Bản – Việt Nam về tiến độ triển khai dự án thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo không gian đường phố trên đường Thái Văn Lung (P.Bến Nghé, Q.1).
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự án trên thuộc công trình giao thông nhóm C do UBND TP.HCM đầu tư, nhằm cải tạo tuyến đường Thái Văn Lung (từ đường Lý Tự Trọng đến đường Nguyễn Siêu) dài hơn 300 m.
Tổng mức đầu tư dự án gần 41 tỉ đồng từ ngân sách, dự kiến khởi công trước ngày 30.4.2025, hoàn thành trước ngày 2.9.2025. Dự án ưu tiên không gian an toàn, thoải mái cho người đi bộ, đảm bảo thuận tiện giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Báo cáo thêm, ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND Q.1 cho biết địa phương đã phối hợp các đơn vị đầu tư hạng mục cổng chào, thùng rác, cây xanh, chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ khác theo hình thức xã hội hóa. Đồng thời, vận động các cơ sở, hộ dân mặt tiền, hẻm đường Thái Văn Lung chủ động cải tạo, chỉnh trang nhà cửa, văn phòng, lát đá đường hẻm cho đồng bộ.
Trao đổi tại buổi làm việc, các chuyên gia mong muốn chính quyền sớm triển khai dự án, đồng thời lưu tâm đến việc bố trí bãi đỗ xe, tính toán phương án vận hành, bảo trì và giữ gìn kiến trúc của tuyến đường.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá đây là dự án thí điểm để cải tạo giao thông đường phố và sắp xếp không gian đô thị. Dự án nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị để sớm trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Theo ông Nên, TP.HCM thực hiện chỉnh trang đô thị từ lâu nhưng chưa có chuẩn mực nào để thực hiện triển khai đại trà. Do vậy, lần này TP.HCM chủ trương phối hợp với nhóm chuyên gia của Nhật Bản thực hiện theo kinh nghiệm thế giới.
Dù đoạn đường thí điểm chỉ dài hơn 300 m nhưng có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để triển khai đại trà. Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh chủ trương đã nhất quán, còn lại là kỹ thuật và giá trị, quan trọng nhất là ý kiến người dân. Ông cũng đồng tình với kiến trúc sư Nhật Bản là phải tính đến yếu tố bền vững, sau khi hoàn thành thì người dân phải tự quản và giữ trật tự.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Q.1 và Sở GTVT phối hợp các sở, ngành liên quan tính toán đến yếu tố khoa học, xã hội và kỹ thuật để sau khi hoàn thành, dự án này có bộ hồ sơ đầy đủ làm mô hình điểm cho các nơi khác học hỏi.
Về kinh phí, TP.HCM sẵn sàng chi kinh phí để thực hiện dự án này vì có ý nghĩa quan trọng. Ông Nên gợi mở có thể kết hợp ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa để vận hành bền vững. Đồng thời, các cơ quan, địa phương, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực cao nhất để hoàn thành dự án trong năm 2025, đảm bảo chất lượng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tphcm-cai-tao-tuyen-pho-thai-van-lung-dip-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-185241104202857725.htm