Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeThời SựTP HCM khẳng định cam kết phát triển bền vững

TP HCM khẳng định cam kết phát triển bền vững

Hôm nay (20-2), HĐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ khai mạc kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề). Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM Đỗ Thị Minh Quân cho biết tại kỳ họp này, đại biểu sẽ thảo luận, xem xét một số tờ trình của UBND TP HCM.

Hỗ trợ công chức thôi việc do sắp xếp

Trong số các tờ trình, đặc biệt có tờ trình quy định về chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), người lao động (NLĐ) khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố.

Theo tờ trình của UBND TP HCM, mức hỗ trợ thêm với trường hợp CB-CC nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo quy định được chia theo 3 mức, tương ứng với thời gian công tác. Cụ thể, người còn dưới 2 năm công tác được trợ cấp thêm 2 khoản: 12 tháng tiền lương hiện hưởng; 6 tháng cho 20 năm đầu công tác, từ năm 21 trở đi nhận thêm nửa tháng lương. Người còn từ 2 – 5 năm công tác nhận trợ cấp thêm 3 khoản: 12 tháng tiền lương; 6 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp 6 tháng lương cho 20 năm đầu công tác, năm thứ 21 trở đi nhận nửa tháng lương. Trường hợp còn từ 5 – 10 năm công tác, nhận thêm 3 khoản: 12 tháng tiền lương; 5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 6 tháng lương cho 20 năm đầu công tác, năm thứ 21 trở đi nhận nửa tháng lương.

Theo tính toán của UBND TP HCM, số lượng CB-CC-VC, NLĐ được nhận hỗ trợ thêm khi tinh gọn bộ máy khoảng 7.159 người. Tổng kinh phí TP HCM cần bố trí là gần 17.000 tỉ đồng. Trong đó, gồm 9.912 tỉ đồng theo Nghị định 178/2024 và 6.877 tỉ đồng hỗ trợ thêm của TP HCM.

Cán bộ UBND phường 8, quận 10, TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cán bộ UBND phường 8, quận 10, TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

UBND TP HCM cho biết tổng số CB-CC-VC chịu tác động khi sắp xếp tổ chức, cơ cấu lại, kiện toàn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn là rất lớn. Nếu áp dụng chính sách hỗ trợ thêm theo Nghị quyết 50/2024 của HĐND TP HCM cho cán bộ bị tinh giản sẽ không tương xứng với mức hỗ trợ được quy định tại Nghị định 178/2024 của Chính phủ. Điều này sẽ tạo ra tâm lý so bì chính sách và ảnh hưởng đến một số đối tượng chịu tác động không được thụ hưởng chính sách.

Do đó, TP HCM cần ban hành một nghị quyết hỗ trợ thêm mới bảo đảm tính phù hợp với mức chính sách quy định tại Nghị định 178/2024. Đây cũng là cơ sở để đội ngũ CB-CC-VC chịu tác động khi sắp xếp, tổ chức bộ máy trên địa bàn có nguồn lực để chủ động tìm việc làm mới sau khi rời khỏi cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Đề xuất miễn học phí cho trẻ dưới 5 tuổi

Một tờ trình quan trọng khác cũng được UBND TP HCM trình lên kỳ họp lần này. Đó là tờ trình về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh (HS) THPT đang học tại các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THPT trên địa bàn TP HCM từ năm học 2025 – 2026.

Mức hỗ trợ là mức học phí áp dụng cho trẻ em mầm non, HS THPT đang theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị quyết 12/2024 của HĐND TP HCM. Theo đó, HS tại TP HCM được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận. Nhóm 2 là HS ở các trường thuộc 5 huyện của TP HCM. Mức hỗ trợ từ 100.000-200.000 đồng/HS/tháng tùy cấp học. Cụ thể: nhà trẻ được hỗ trợ 200.000 đồng/HS ở nhóm 1, 120.000 đồng/HS ở nhóm 2; mẫu giáo (không bao gồm mẫu giáo 5 tuổi) được hỗ trợ 160.000 đồng/HS nhóm 1, 100.000 đồng/ HS ở nhóm 2; THPT và giáo dục thường xuyên THPT được hỗ trợ 120.000 đồng/HS ở nhóm 1, 100.000 đồng/HS ở nhóm 2.

Như vậy, với mức hỗ trợ trên, trẻ mầm non dưới 5 tuổi và HS THPT công lập sẽ không phải đóng học phí. Còn HS THPT ngoài công lập (trừ trường có vốn đầu tư nước ngoài) sẽ nhận mức hỗ trợ bằng mức học phí các trường công lập. Dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học phí là 653 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, HS THPT công lập là 423 tỉ đồng, ngoài công lập là 230 tỉ đồng.

UBND TP HCM đề xuất chính sách trên với mục tiêu tất cả trẻ em mầm non, HS phổ thông các cấp tại thành phố đều có cơ hội tham gia học tập. Đây cũng là món quà của thành phố tạo dấu ấn chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025). Theo UBND TP HCM, cần xây dựng một chính sách về giáo dục thiết thực, hiệu quả, mang ý nghĩa giá trị, xứng tầm và có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc. Qua đó để người dân nhận thấy chất lượng cuộc sống thành phố ngày càng được nâng cao, tự hào về những thành tựu của thành phố mà đối tượng được thụ hưởng là người dân đang sinh sống và làm việc tại thành phố. Từ đó thúc đẩy động lực để nhân dân tiếp tục tham gia góp phần chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

Thêm chính sách cho người có công, người cao tuổi

Tại kỳ họp này, UBND TP HCM cũng trình quy định về mức chi quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn TP HCM và các cơ sở trợ giúp xã hội thành phố quản lý. Mức chi quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên) là 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/lần. Ngoài ra, còn có tờ trình về chính sách hỗ trợ chế độ điều dưỡng, hội nghị, tham quan, về nguồn đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Dự tính tổng kinh phí thực hiện chính sách này là hơn 7 tỉ đồng.

Nguồn: https://nld.com.vn/tp-hcm-khang-dinh-cam-ket-phat-trien-ben-vung-196250219220630609.htm

NLD Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay