Chiều 17-1, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025. Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Trung Kiên – phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP – cho biết đến nay, TP.HCM đã giải ngân hơn 56.000 tỉ đồng, khoảng 70% kế hoạch vốn năm 2024. Dự kiến đến hết tháng 1, TP giải ngân khoảng 60.000 tỉ đồng, đạt khoảng 76%.
Năm 2025, vốn đầu tư công của TP.HCM khoảng 84.100 tỉ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lộ trình quý 1 giải ngân 15%, quý 2 từ 35%, quý 3 từ 70% và quý 4 đạt 95%.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi – chủ tịch UBND TP.HCM – yêu cầu các đơn vị tập trung để giải ngân vốn của năm 2024, phấn đấu đạt 81%.
Với vốn đầu tư công năm 2025, ông Mãi cho biết TP.HCM phân bổ 67.400 tỉ đồng từ cuối năm 2024. Với số vốn đã giao xong, ông yêu cầu các địa phương, đơn vị cần triển khai ngay, không để “đầu năm thủng thẳng, cuối năm bị động”. Số vốn còn lại chưa phân bổ thì hoàn tất trong quý 1.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu Ban Giao thông, Ban Dân dụng và công nghiệp, Ban Hạ tầng đô thị rà soát lại các dự án chuyển giao cho các quận huyện, TP Thủ Đức có thể tiếp nhận được và có văn bản đề nghị chuyển giao.
Các địa phương nếu có thể tiếp nhận được các dự án thì có thể đề xuất, chậm nhất đến ngày 31-1-2025 phải gửi danh sách cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND TP quyết định.
Về công tác giải phóng mặt bằng, chủ tịch UBND TP đề nghị các dự án năm 2024 chuyển sang 2025, phải bàn giao trước ngày 30-5-2025.
Các mặt bằng dự án mới phát sinh trong năm 2025 chậm nhất tháng 9-2025 phải bàn giao.
Riêng dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm thì không có độ lùi, ngày 30-4 phải khởi công.
Với các công trình trọng điểm như đường nối phục vụ nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, các công trình phục vụ cho Đại lễ Phật đản (Vesak), công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là những công trình không để chậm trễ.
Ông Mãi yêu cầu bảo đảm đúng tiến độ, không vì thiếu tiền hay vướng thủ tục mà để chậm trễ.
Theo ông Mãi, trong giải ngân đầu tư công, chủ đầu tư là số 1, quận huyện là số 2, sở ngành liên quan là số 3, cơ quan thường trực là số 4. Thường trực ủy ban và cán bộ phụ trách là số 5.
Ông Mãi cũng yêu cầu các sở ngành liên quan áp dụng công thức 1-3-7 để thực hiện, giao Thanh tra Sở Nội vụ thanh tra việc này, nếu không thực hiện đúng sẽ xử lý công vụ, phải siết chặt kỷ cương hành chính.
Ông yêu cầu năm 2025 các địa phương, đơn vị phải cố gắng chủ động mỗi tuần, mỗi tháng để giải ngân đạt 95%.
Công thức 1-3-7 là khi nhận được thông tin thì trong 1 ngày phải giao ngay cho người tiếp nhận và xử lý. Sau 3 ngày phải báo cáo lại, những công việc phức tạp hơn thì là 7 ngày.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-se-thanh-tra-viec-ap-dung-cong-thuc-1-3-7-trong-xu-ly-cong-vu-20250117221812596.htm