Chiều 2/4, UBND TPHCM tổ chức hội nghị về tình hình, kết quả kinh tế – xã hội quý I, nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2025. Sau 3 tháng đầu năm, TPHCM có tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) ở mức cao, nhiều chỉ số kinh tế duy trì đà phục hồi tốt nhưng vẫn tồn tại những vấn đề đáng lưu tâm.
Theo Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, trong quý I, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 457.000 tỷ đồng, ước tăng 7,51% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 của TPHCM.
Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng 0,27%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng gần 6%, khu vực dịch vụ tăng khoảng 8,72%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng khoảng 4,53%.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai (Ảnh: HMC).
Mặt hạn chế của thành phố sau 3 tháng đầu năm là một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp, số doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, khối lượng giải ngân đầu tư công của TPHCM còn thấp, mới đạt hơn 5,4% so với kế hoạch vốn năm 2025.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng, việc tăng trưởng 7,5% trong quý I là kết quả tốt của thành phố, nhưng chưa đủ để địa phương đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra đầu năm. Cụ thể, với kịch bản tăng trưởng 8,5% năm nay, TPHCM cần tăng trưởng quý I là 8,38-8,54% và duy trì tốc độ từ nay đến cuối năm.
“Với hàng loạt thách thức cần đối diện, để tạo sự tăng trưởng đột biến, tốc độ nhanh cho nền kinh tế quy mô 1,7 triệu tỷ đồng như TPHCM trong ngắn hạn thì không có cách nào khác ngoài dồn lực đầu tư, huy động vốn đầu tư xã hội”, TS Trương Minh Huy Vũ phân tích.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, địa phương cần huy động hơn 620.000 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội trong năm nay để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Việc huy động vốn xã hội phụ thuộc rất nhiều vào sự dẫn dắt của đầu tư công, môi trường kinh doanh, đất đai.
Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TPHCM chỉ là 5,4% trong quý I, chưa đạt mục tiêu 7% đã đề ra. Ngoài ra, trong bối cảnh các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng chưa thật sự tốt, vấn đề đầu tư tư nhân tại TPHCM chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng.
Về dài hạn, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng việc phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn là yếu tố then chốt đối với sự phát triển của TPHCM. Số liệu về số doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp thành lập mới của địa phương trong quý I là vấn đề đáng lo ngại, cần nghiên cứu sâu hơn.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (Ảnh: Q.Huy).
Giải pháp tiếp theo được lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đưa ra là lãnh đạo UBND TPHCM có thể khoán tăng trưởng cho các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tư nhân.
“Trong việc làm các tuyến đường sắt, chúng ta mời tập đoàn lớn về trao đổi, giao nhiệm vụ cho họ. Cách thức này cần được tiếp cận cho các ngành, nghề, lĩnh vực khác như nhà ở xã hội, cải tạo nhà ven kênh, rạch, đường thủy, đường bộ để hình thành nhiều dự án, huy động nguồn tiền, nguồn lực xã hội để thu hút được hơn 620.000 tỷ đồng trong năm 2025”, TS Trương Minh Huy Vũ góp ý.
TS Trương Minh Huy Vũ chia sẻ thêm, hiện tại, TP Thủ Đức cùng Dĩ An, Thuận An, Biên Hòa đã tạo thành cụm đô thị rất phát triển. Do đó, thành phố cần tập trung mạnh mẽ nguồn lực để thu hút đầu tư về TP Thủ Đức theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Khu vực phía Nam TPHCM cũng có quận 7, huyện Bình Chánh là một cụm đô thị, gắn với giao thông đường thủy, ngành logistics. TPHCM cần có các dự án để liên kết 2 cụm đô thị lớn này.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-tang-truong-cao-trong-quy-i-nhung-con-ton-tai-nhieu-van-de-20250402153234937.htm