Bài viết “Nhân viên bệnh viện sao bên trọng bên khinh với bệnh nhân” nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc Tuổi Trẻ Online.
Theo bài viết, bệnh nhân đăng ký khám bình thường, nhân viên hướng dẫn trao đổi với thái độ thờ ơ, nói năng cộc lốc. Đăng ký khám chuyên gia, bệnh nhân được đối xử bằng thái độ hoàn toàn khác.
Trả nhiều tiền thì đương nhiên dịch vụ tốt hơn?
Bày tỏ quan điểm về tình trạng này, bạn đọc Trần Quang Định cho biết thực trạng đáng buồn này đã và đang diễn ra tại không ít bệnh viện.
Theo bạn đọc Minh Trần, dù ngành y tế đã có rất nhiều cải cách nhưng tình trạng này đến nay vẫn còn ở một số bệnh viện. Lý do, theo bạn đọc tên Trung, “khám bình thường ít tiền nên nhân viên kiệm lời”.
Trong khi đó một số bạn đọc cũng cho rằng bệnh nhân bỏ nhiều tiền hơn phải được hưởng dịch vụ tiện ích tốt hơn.
Bạn đọc Hai Le cũng chia sẻ có lẽ mọi người cần làm quen với điều này. Bởi vào resort, khách sạn 5 sao đương nhiên được phục vụ tốt hơn quán cóc. Vào bệnh viện quốc tế, khoa dịch vụ chất lượng cao được đón tiếp niềm nở hơn cũng là lẽ bình thường.
“Công bằng là hãy để khách hàng được phục vụ đúng với những gì họ bỏ ra. Chi ít hơn mà đòi dịch vụ tốt hơn thì đâu có công bằng với những người chi tiền nhiều hơn”, tài khoản lamd****@gmail.com nói thêm.
Không nên phân biệt dịch vụ khám bệnh?
Tuy nhiên nhiều bạn đọc không đồng tình với nhận định trên.
“Khám thường hay khám VIP thì cũng phải đóng tiền khám, đóng viện phí, chứ có phải người ta năn nỉ khám miễn phí đâu mà nơi nộp sổ cũng làm khó người ta” – một bạn đọc bày tỏ.
Bạn đọc Mạnh khẳng định đã là bệnh nhân thì cần được đối xử công bằng như nhau.
Trong khi đó bạn đọc D.D. cho rằng bệnh nhân cần phải bình đẳng cũng có lý, nhưng cái câu “bệnh nhân là khách hàng” là chưa hợp lý.
Khách hàng là phải tính theo giá thị trường, tuân theo quy luật thị trường, chứ không phải thu theo khung giá quy định.
Câu “bệnh nhân là khách hàng” chỉ đúng với y tế tư nhân thôi. Còn y tế công thì vẫn mang tính “phục vụ nhân dân” là chủ yếu, chẳng có khách hàng nào ở đây cả.
Bạn đọc Dân chia sẻ một bệnh viện tư có tiếng tăm ở TP.HCM cũng có dịch vụ khám thường và khám chuyên gia. Sao bệnh viện tư mà phân biệt ra như vậy? Vậy khám thường là bác sĩ không giỏi à? Rồi nếu khám thường mà không ra bệnh thì có được chuyển qua chuyên gia không hay người bệnh phải tốn thêm tiền?
Theo tài khoản thut****@gmail.com, một bệnh viện vừa khám thường vừa khám dịch vụ là không nên vì rất nhiều sự việc “phân biệt bệnh nhân này, bệnh nhân kia” đã xuất hiện, tồn tại lâu nay. Như vậy dễ dẫn đến đối xử thiếu công bằng và thiệt thòi cho người khám thường.
Còn nếu không “mức đóng bảo hiểm y tế phải tăng lên để các bệnh viện đủ trang trải (khi tính đúng, tính đủ). Các đối tượng khó khăn, người có công, người nghèo… vẫn được hỗ trợ như trước”, bạn đọc này đề xuất.
Bạn đọc D. đề xuất bệnh viện công cứ áp đều một mức giá ở tất cả các bệnh viện, không có chia hạng chia bậc. Tuy nhiên Nhà nước phải dành ngân sách đủ nhiều để các bệnh viện công hoạt động hiệu quả.
Trong khi đó bạn đọc Kha cho rằng điều này xảy ra do việc trả tiền lương cho nhân viên y tế và giá vật tư trong bệnh viện chưa “tính đúng tính đủ”. Nếu Nhà nước trả tiền lương cao cho nhân viên y tế và “thu đúng” tương xứng với giá vật tư và chất xám con người bỏ ra thì sẽ hết tình trạng nói trên.
Còn theo bạn đọc tên Bưởi, các bệnh viện nên đào tạo các nhân viên tiếp tân, nhân viên hướng dẫn, nhân viên thu tiền…
Nguồn: https://tuoitre.vn/tra-nhieu-tien-kham-benh-nen-ben-trong-ben-khinh-20241104120911679.htm