Là những người tạo ra doanh thu chính cho nền quần vợt mỗi năm, nhưng các tay vợt lại chỉ mang về nhà một khoản tiền thưởng “khiêm tốn”.
Cứ bốn lần trong năm, các sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất của làng quần vợt lại phát đi thông báo, gồm ký hiệu USD và nhiều con số 0 đính kèm, cùng vài từ ngữ “mức tiền thưởng kỷ lục”. Đó là những giải Grand Slam với bốn dấu nhớ được tô đậm nhất trong lịch thi đấu hằng năm.
Mở đầu là Australia Mở rộng. Năm nay, sự kiện đang diễn ra ở Melbourne có quỹ thưởng 59 triệu USD, tăng hơn 6,2 triệu USD so với năm ngoái. Ở mùa 2024, tổng tiền thưởng của bốn Grand Slam là 250 triệu USD. Đó là chưa tính số tiền riêng mà ban tổ chức chi ra để đảm bảo sự xuất hiện của các ngôi sao lớn nhất, những cái tên luôn đi kèm với khoản lợi nhuận béo bở từ bản quyền truyền hình và nhãn hàng tài trợ.
Australia Mở rộng được coi là giải đấu tiên phong trong việc “hô biến”, khuếch trương những sự kiện Grand Slam thành các tour đấu ngoại hạng và ngoại lệ. Bên cạnh yếu tố lịch sử hay truyền thống, những sự kiện này biết cách nâng tầm đẳng cấp, củng cố vị thế nhằm bảo đảm sự góp mặt của những tay vợt hay nhất, bất kể quốc gia, khoảng cách địa lý trong một lịch thi đấu vốn dày đặc.
Dù Grand Slam phát ra sự hào nhoáng và giữ mối quan hệ thân thiết với tay vợt, những nhân vật chính lại chỉ nhận về một tỷ lệ tiền thưởng nhỏ hơn so với hầu hết các sự kiện còn lại trong mùa giải. Ở Australia Mở rộng, quỹ thưởng chiếm khoảng 15-20% tổng doanh thu của Tennis Australia, đơn vị sở hữu và tổ chức giải đấu, dù số tiền thu về cả năm của họ, gồm tất cả các nguồn, hầu như đến từ sự kiện major được đăng cai tại Melbourne.
Roland Garros, Wimbledon và Mỹ Mở rộng cũng vậy. Con số thực có thể khác nhau, nhưng tỷ lệ phân chia khoản thưởng từ nguồn tiền tổng của các đơn vị tổ chức này gần như tương đồng với một hằng số định sẵn. Tại Mỹ Mở rộng 2023, quỹ thưởng là 65 triệu USD, tương đương khoảng 12% so với doanh thu 514 triệu USD từ giải đấu. Con số này chiếm gần 90% tổng số tiền Hiệp hội Quần vợt Mỹ kiếm được năm đó.
Lời giải thích cho thực tế trên rất đa dạng. Các nhà điều hành Grand Slam, nơi tạo ra tổng cộng 1,5 tỷ USD/năm, nói rằng họ cần phải chi hàng trăm triệu USD để đầu tư và phát triển quần vợt trẻ, cũng như tài trợ cho các giải đấu ít lợi nhuận thuộc quốc gia đó. Ngoài ra, số tiền từ Grand Slam còn được dùng nhằm bảo dưỡng và nâng cấp cơ sở vật chất liên tục. Với những người đứng đầu, đây là yếu tố quan trọng trong cuộc đua thầm lặng giành lấy uy tín, duy trì giải đấu của họ ở vị thế hàng đầu. Và tiền thưởng cũng chỉ là một yếu tố cần có trong cuộc cạnh tranh không ngơi nghỉ này.
Các tay vợt không phải không nhận ra việc chỉ nhận được một tỷ lệ tiền thưởng nhỏ so với những VĐV của môn thể thao khác, đặc biệt là Novak Djokovic – người được đánh giá vĩ đại nhất của quần vợt nam hiện đại và cũng là người đồng sáng lập Hiệp hội Các Tay vợt chuyên nghiệp (PTPA) 5 năm trước. “Tôi chỉ muốn chỉ ra sự thật: mức chia của các đơn vị quản lý, tổ chức ở những giải thể thao phổ biến tại Mỹ như NFL, NBA, NHL, là 50%. Có thể dao động ít nhiều, nhưng quanh mức 50%”, Djokovic bày tỏ quan điểm ở một buổi họp báo sau trận tại Brisbane tuần trước. “Còn mức chia của quần vợt thấp hơn thế nhiều”.
Từ năm 1968 – cột mốc đánh dấu bốn Grand Slam trao tiền thưởng cho các tay vợt như một phần trong sự ra đời của Kỷ nguyên Mở với việc VĐV chuyên nghiệp được phép tranh tài cùng VĐV nghiệp dư, quỹ tiền thưởng mỗi giải chỉ có xu hướng tăng lên. Nhà vô địch Pháp Mở rộng 1968, Ken Rosewall, là người đầu tiên nhận thưởng với số tiền 3.000 USD. 50 năm sau, tay vợt đăng quang ở Roland Garros 2018, Rafael Nadal, bỏ túi khoản tiền 2,35 triệu USD, tăng hơn 73.000%. Hằng năm, các giải Grand Slam vẫn tăng nhẹ tổng mức thưởng, thường rơi vào cỡ 10-12%. Và tỷ lệ đó gần như cố định, trong khi doanh thu vẫn tăng đều.
“Tennis Australia là tổ chức phi lợi nhuận, được cấu trúc trên mô hình kinh doanh dựa vào những khoản đầu tư lớn để tổ chức và quảng bá các sự kiện, qua đấy tiếp tục thúc đẩy doanh thu, nguồn tài trợ rồi từ đó gia tăng quỹ tiền thưởng ổn định”, Darren Pearce – người phát ngôn chính của cơ quan tổ chức Australia Mở rộng – phát biểu hồi đầu tuần.
Theo quan điểm của những nhà điều hành, họ phải quan tâm tới rất nhiều vấn đề khác, không chỉ đơn giản là 128 tay vợt tham gia tranh tài ở mỗi nội dung đánh đơn. Ví dụ như các giải đấu ở Brisbane, Adelaide, Hobart hay sự kiện đồng đội United Cup đều nhận được hỗ trợ tài chính từ ban tổ chức Australia Mở rộng. Ông Pearce khẳng định tiền thưởng của giải tăng trưởng nhanh hơn so với mức tăng doanh thu.
Những sự kiện Grand Slam cũng chỉ ra họ phải chi hàng triệu USD cho việc đi lại, sinh hoạt và ăn ở của tay vợt trong thời gian giải diễn ra, đồng thời mở rộng, nâng cấp trải nghiệm và dịch vụ, không chỉ cho tay vợt, mà còn với người thân và đội ngũ của họ. Người phát ngôn của All England Club – đơn vị đăng cai Wimbledon, Eloise Tyson, nhấn mạnh tổng tiền thưởng của cả bốn Grand Slam đã nhảy vọt từ 209 triệu USD năm 2022 lên 254 triệu USD vào năm kế tiếp, tăng 22%.
Nhưng đó vẫn là con số khiêm tốn so với doanh thu. Điều này xảy ra bởi chính cách định hình quần vợt từ trước đến nay, với việc tuyệt đối hoá sức mạnh tối cao của Grand Slam – những giải đấu không bị và không thể động đến. Điều này trái ngược với những môn thể thao khác. Với bóng đá, các quốc gia chạy đua giành quyền đăng cai World Cup, còn những thành phố phải “đấu thầu” để được tổ chức chung kết Champions League. Olympic cũng thay đổi địa điểm bốn năm một lần, còn trận Super Bowl của môn bóng bầu dục thậm chí di chuyển khắp nước Mỹ, với cuộc ganh đua quyết liệt giữa các thành phố và nhãn hàng,
Tuy nhiên, bốn Grand Slam là bốn Grand Slam. Ấn định địa điểm tổ chức. Ngoài lịch sử, truyền thống và danh tiếng, có những lý do thực tế không thể phủ nhận cho đặc trưng này của quần vợt, nhất là cơ sở vật chất. Không dễ chọn được nơi để tổ chức một sự kiện kéo dài hai, ba tuần liên tục, diễn ra từ năm này qua năm khác, với quy mô và yêu cầu ở mức cao nhất. Cùng sự đặc thù của quần vợt, chưa có cơ hội để một đơn vị khác “mạnh dạn” đề xuất thay thế những Grand Slam hiện tại, bằng cách bỏ ra khoản tiền thưởng lớn hơn hay cung cấp cơ sở vật chất và hạ tầng tốt hơn.
Ý tưởng này không phải mới xuất hiện. Những động thái đầu tiên đã xuất hiện cách đây nhiều năm, và dần trở nên nghiêm túc hơn trong vài tháng qua. PTPA đã thuê một nhóm luật sư chuyên xử lý vấn đề chống độc quyền để đánh giá thực trạng của quần vợt. Được biết, họ đang biên soạn một báo cáo với nội dung: liệu quần vợt có yếu tố đi ngược với cạnh tranh không? Không loại trừ khả năng xảy ra kiện tụng nhằm xây dựng lại môn thể thao này.
ATP và WTA cũng đối mặt sự bất đồng từ các tay vợt về khoản thưởng và cách thức tính toán, dù những tổ chức này chia tiền thưởng với tỷ lệ cao hơn so với Grand Slam. Phía tay vợt cho rằng họ nhận được khoảng 25% doanh thu, trong khi những nhà điều hành tính rằng con số này là 40%.
Sau cùng, Grand Slam, ATP hay WTA khẳng định họ vẫn đang làm mọi điều tốt nhất cho các tay vợt. Những nhà quản lý tin rằng mình được quyền chăm sóc và phát triển quần vợt bằng cách mang đến sự trật tự trong một thế giới mà sự hỗn loạn có thể ngự trị.
Djokovic không hoàn toàn phản đối. Anh hiểu quần vợt khác NBA. Từng là người đại diện cho các đồng nghiệp ở Hội đồng Tay vợt của ATP, Nole hiểu rõ bản chất và sự phức tạp về tình hình tài chính, tiền thưởng ở các giải đấu, với quy mô và đặc điểm tổ chức rất đa dạng do các sự kiện diễn ra khắp thế giới. Dù vậy, tay vợt sở hữu 24 Grand Slam vẫn cho rằng các tay vợt xứng đáng thu về nhiều hơn mức 20% tại Grand Slam, nhất là khi những major không có chương trình kiểu “lương hưu”, hoặc quỹ thưởng cuối năm như ATP hay thậm chí là quanh năm như WTA.
“Chúng tôi muốn tay vợt nhận thưởng nhiều hơn, nhưng những người đứng đầu có lẽ không muốn vậy. Chẳng dễ gì tập hợp mọi người vào một phòng họp rồi thống nhất một tỷ lệ chung”, Djokovic kết luận. “Chuyện tiền thưởng có nhiều lớp lang khác nhau, không đơn giản là con số bạn thấy thường ngày đâu”.
Vy Anh
Nguồn: https://vnexpress.net/tranh-cai-chuyen-chia-tien-thuong-grand-slam-4839210.html