Thứ ba, Tháng Một 28, 2025
HomeGiáo DụcTranh luận đề kiểm tra ngữ văn 'lối sống phông bạt của...

Tranh luận đề kiểm tra ngữ văn ‘lối sống phông bạt của giới trẻ’

Có nhiều ý kiến tranh luận của giáo viên về nội dung cũng như yêu cầu của đề kiểm tra này.

Tranh luận đề kiểm tra ngữ văn 'lối sống phông bạt của giới trẻ'- Ảnh 1.

Đề kiểm tra môn ngữ văn đang được lan truyền trên mạng xã hội đề cập đến lối sống phông bạt của giới trẻ

ẢNH TRÊN DIỄN ĐÀN HỌC SINH

Theo đó, đề kiểm tra có nội dung: “Hãy viết bài văn nghị luận bàn về Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay”, được cho là của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) sử dụng cho bài kiểm tra giữa kỳ của lớp 10A25 với thời gian làm bài 45 phút.

Trên diễn đàn của học sinh TP.HCM, phần lớn thành viên bày tỏ sự thích thú với đề kiểm tra nói trên bởi “giáo viên bắt trend hay quá. Gần gũi với đời sống giới trẻ, của học sinh nhưng cũng không phải dễ lấy điểm đâu”.

Giáo viên H.T, dạy ngữ văn bậc THPT tại Q.5, nhận xét: “Đề yêu cầu học sinh lớp 10 viết bài văn nghị luận về ‘Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay’ phản ánh một đề tài gần gũi và mang tính thời sự. Đề này khai thác được những suy nghĩ và quan điểm của học sinh về lối sống của giới trẻ, bao gồm những mặt tích cực và tiêu cực của xu hướng sống tự do, chú trọng hình thức, thể diện. Đây là đề tài phù hợp với độ tuổi, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tư duy, phân tích, và lập luận”.

Tuy nhiên, cũng theo giáo viên này, từ “phông bạt” có thể khó hiểu và dễ gây nhầm lẫn, đặc biệt với học sinh lớp 10. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải làm rõ trước hoặc dùng thuật ngữ gần gũi hơn để học sinh dễ tiếp cận và diễn đạt đúng ý kiến của mình.

Xôn xao đề kiểm tra ngữ văn ‘lối sống phông bạt của giới trẻ’

Còn một giáo viên dạy ngữ văn THPT của huyện Bình Chánh (TP.HCM) nhìn nhận: “Đề bài này nếu được giải thích từ ‘phông bạt’ sẽ giúp học sinh lập dàn ý nhanh hơn, đỡ mất thời gian viết bài hơn. Đề này bàn về một hiện tượng đời sống gần gũi với tâm lý học sinh, giúp các em hứng thú trong việc làm bài. Đề có tính phân hóa cao, giáo viên chấm bài cũng đỡ nhàm chán”.

Ngoài ra, về việc sử dụng câu từ, giáo viên cho rằng lẽ ra phải viết thường từ “lối” và từ “phông bạt” phải để trong ngoặc kép vì mang nghĩa ẩn dụ. Từ này cũng nên đặt vào một ngữ cảnh cụ thể để học sinh hiểu được nghĩa của từ của “ổn” hơn.

Giáo viên này giải thích thêm, ra đề kiểm tra với 1 câu nghị luận xã hội là hoàn toàn đúng với quy định hiện hành. Tuy nhiên chưa đúng quy định về thời gian kiểm tra theo Thông tư 22 về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT, tối thiểu 60 phút.

Phóng viên Báo Thanh Niên đã liên hệ với Ban giám hiệu Trường THPT Mạc Đĩnh Chi để xác nhận cũng như trao đổi về ý tưởng xây dựng đề kiểm tra môn ngữ văn đề cập đến “lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay” nhưng hiện chưa nhận được phản hồi.

“Phông bạt”, xuất phát từ hình ảnh của một tấm phông nền, thứ chỉ làm đẹp bề ngoài, nhưng đằng sau đó không phải lúc nào cũng phản ánh thực tế. Theo cách nói hiện nay, ‘phông bạt” ám chỉ một lối sống lộng lẫy bề ngoài nhưng thiếu chân thật bên trong. Từ này thường xuất hiện trên mạng xã hội, dùng để châm biếm những ai sống giả tạo, thích tỏ ra giàu có hoặc che giấu bản chất thật. Thay vì đối mặt với sự thật, họ dùng vẻ hào nhoáng để dựng lên một hình ảnh khác xa thực tế.


Nguồn: https://thanhnien.vn/tranh-luan-de-kiem-tra-ngu-van-loi-song-phong-bat-cua-gioi-tre-185241029222622668.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay