(PLO)- Theo Bộ GD&ĐT, đề xuất không công khai sai phạm của giáo viên sẽ bảo vệ nhà giáo trong bối cảnh mạng xã hội phát triển.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Nhà giáo lần thứ 5. Dự thảo luật lần này có nội dung không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, điểm b, khoản 3, Điều 11 của dự thảo Luật Nhà giáo nêu về một trong những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo: “Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo”.
Vì sao không công khai sai phạm của giáo viên trước khi có kết luận?
Nói rõ hơn về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết dự thảo Luật Nhà giáo ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, còn quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo.
Cụ thể, dự thảo Luật Nhà giáo nêu không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo; các việc khác không được làm theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ GD&ĐT, có ý kiến cho rằng quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và bênh vực nhà giáo. Tuy nhiên, quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay.
Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định. Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) nói: “Tôi hoàn toàn nhất trí. Giáo viên cũng là công dân được pháp luật bảo vệ. Khi có những thông tin sai phạm do cách nhìn chủ quan của một cá thể hay một tập thể nào đó thì giáo viên phải được bảo vệ về thông tin cá nhân cho đến khi các cấp có thẩm quyền chính thức có kết luận”.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục nói: “Tôi nghĩ đây là một đề xuất mới phù hợp với bối cảnh kỷ nguyên số. Bởi trong thời đại này, mọi thứ đều được đưa lên mạng và về cơ bản chúng ta đều có thể truy cập nó vĩnh viễn, bao gồm rất nhiều thông tin mà các cá nhân muốn giữ bí mật và muốn quên đi”.
Ông Nam nhấn mạnh, không công khai sai phạm của giáo viên không đồng nghĩa với việc thay đổi bản chất của dữ liệu hay sự kiện.
“Dù không công khai sai phạm trên mạng nhưng thông tin vẫn được lưu trữ và được chia sẻ cho những người có trách nhiệm trong những bối cảnh phù hợp. Tất nhiên, tôi ủng hộ không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức cũng xét tới bối cảnh thực tế hiện nay nhiều người đang lạm dụng quyền tự do ngôn luận một cách quá đà” – ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, thực tế cho thấy rất nhiều vụ việc có thể giải quyết được một cách hiệu quả trong bối cảnh trực tiếp nhưng phụ huynh ngại trao đổi trực tiếp, biến nó thành lời than thở trên mạng. Chỉ dựa trên những thông tin một chiều, nhiều lúc gây ra tình trạng tam sao thất bản, tự thêm mắm thêm muối, từ bé xé ra to khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến ngành và hình ảnh người thầy. Khi sự việc được làm sáng tỏ mà nếu người thầy không có sai phạm thì mọi việc đã quá muộn vì trước đó trên mạng đã kịp lưu dấu những thông tin xấu về họ.
“Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng có thể nghiên cứu về các đề xuất cho phép người dân được giám sát hoạt động của nhà giáo thông qua các thiết bị ghi âm và ghi hình nhưng không được phép chia sẻ lên mạng xã hội mà chỉ được sử dụng nó như minh chứng để phản ánh sự việc với các cấp có thẩm quyền” – ông Nam nhấn mạnh.
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP.HCM) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất trên.
“Nếu trong quá trình giảng dạy, có điều gì phụ huynh chưa hài lòng có thể gặp giáo viên, hiệu trưởng để trao đổi, không nên sự việc chưa rõ ràng đã đăng lên mạng, ảnh hưởng đến danh dự của thầy cô. Trong trường hợp nếu vi phạm, chưa có hội đồng kỷ luật mà thông tin đã tràn lan trên mạng thì làm sao họ có thể tự tin đứng lớp.
Trong giáo dục, quan trọng nhất là niềm tin. Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Phụ huynh không yêu quý thầy cô sao học sinh có sự tôn kính với giáo viên” – ông Điệp nói.
Thầy giáo Hải Đăng, giáo viên tại một trường THCS ở quận Gò Vấp cũng ủng hộ đề xuất không công khai sai phạm của giáo viên.
“Con người chỉ có tội khi toà ra phán quyết; các vi phạm hành chính cũng vậy, cần chờ kết luận cuối cùng. Nếu như thanh tra, kiểm tra kết luận thì nên công khai. Còn trong trường hợp mới chỉ nghe một chiều rồi tung tin lên mạng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng” – thầy Đăng nói.
Liệu có dẫn đến việc che dấu thông tin?
Bên cạnh việc đồng tình, một số người khác lại cho rằng đề xuất này cần phải xem xét kỹ hơn.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Bình Thạnh cho rằng đề xuất trên chưa hợp lý. Bởi có một số trường hợp bị phanh phui chính nhờ phản ánh của phụ huynh và sự vào cuộc của báo chí. Đơn cử như sự việc cô giáo kêu gọi quyên góp tiền để mua máy tính không đúng mục đích cũng do phụ huynh phản ánh tới báo chí. Trước đó, họ có góp ý với nhà trường nhưng trường không giải quyết một cách triệt để.
“Với việc hạn chế công khai sai phạm giáo viên trước khi kết luận thanh tra liệu có dẫn đến tình trạng che dấu, bưng bít thông tin?” – vị này chia sẻ.
Vị này cũng cho biết sở dĩ có đề xuất trên do có nhiều sự việc dù chưa có thông tin chính xác nhưng đã bị công khai trên mạng gây ảnh hưởng đến uy tín. “Nhưng nếu rơi vào trường hợp này thì hiện nay đã có quy định pháp luật chế tài những người tung tin sai sự thật” – vị này cho biết.
Chị Thanh Tú (ngụ TP.HCM) cũng lo ngại quy định trên phần nào làm giảm đi vai trò giám sát của người dân đối với ngành giáo dục.
“Có nhiều việc bản thân tôi và nhiều phụ huynh khác phản ánh với trường nhưng không nhận được phản hồi, chỉ khi truyền thông vào cuộc, cơ quan chức năng mới biết và từ đó mọi việc mới được xử lý một cách rốt ráo” – chị này nói.
Một số ý kiến khác lo ngại trong nhiều trường hợp nhà giáo vi phạm đạo đức nếu dư luận không lên tiếng có thể sẽ bị “chìm xuồng”. Hiện nay, không chỉ nhà giáo mà tất cả cả các công dân đều đang được pháp luật bảo vệ bằng các quy định liên quan về việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Vấn đề là làm sao xử lý cho triệt để những người đưa thông tin sai sự thật.
Nguồn: https://plo.vn/tranh-luan-de-xuat-khong-cong-khai-sai-pham-cua-giao-vien-post817948.html