Văn Duy Phúc, sinh viên K29 ngành quan hệ công chúng, Trường ĐH Văn Lang vừa giành giải ba tại chung kết toàn quốc cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức. Trước đó, tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cấp trường, Phúc cũng xuất sắc giành giải nhất.
Muốn kết nối, lan tỏa văn hóa đọc
Có lẽ kết quả đó được tiếp nối cho một “hành trình” đọc đầy thú vị của Phúc vì từ năm lớp 11, chàng trai này đã đạt giải khuyến khích cấp quốc gia của cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc.
Phúc cho biết để tham dự cuộc thi toàn quốc năm nay, Phúc đã đầu tư chỉn chu và chuẩn bị chu đáo hơn từ khâu lên ý tưởng nội dung đến việc dàn trang thiết kế.
“Mình đã chọn đề thi số 1. Tại câu 1 của đề, mình trình bày cảm nhận về cuốn sách “Nghĩ bình đẳng, Sống bình đẳng” của nhóm tác giả thuộc chiến dịch Nhà Nhiều Cột. Cuốn sách viết về bình đẳng giới – một vấn đề mang tính thời sự cao”.
Ở câu 2, Phúc đã trình bày sáng kiến phát triển văn hóa đọc mang tên “Văn hóa trao tay – Sách hay trao bạn”.
Là một người dân tộc Hoa, Phúc mong muốn đề xuất việc phát triển văn hóa đọc cho người đồng bào, đặc biệt ở những vùng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chàng đại sứ văn hóa đọc không mong muốn đó là sự trao gửi một chiều mang tính chất “thủ tục” như lâu nay nhiều người thường làm.
Lấy cảm hứng từ các phiên chợ vùng cao, Phúc muốn xây dựng sáng kiến có tính chất hai chiều khi hai bên đều là người cho và đều được nhận. “Khi các bạn trao sách, các bạn cùng lúc sẽ nhận được các sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa của người đồng bào: khăn thêu tay, đặc sản, bookmark thêu… Điều này thực sự tạo nên sự kết nối thú vị và đạt hiệu quả lan tỏa hơn”, Phúc nhận định.
Đọc sách là một hành trình
Duy Phúc chia sẻ đọc sách như một hành trình, nơi bản thân được khai phá, trao đổi và lan tỏa với cộng đồng vì với Phúc, văn hóa đọc thực chất không hề lớn lao, nó bắt nguồn từ từng cá nhân, sau đó lan tỏa ra dần dần thì sẽ hình thành văn hóa đọc.
Chia sẻ về việc đọc của bạn trẻ ngày nay, Phúc nêu cảm nhận: “Nếu nhìn từ chính bản thân và những người thân quanh mình, em cảm nhận rằng chúng ta đang thiếu vắng đi việc duy trì cho một hoạt động bổ ích, hoạt động ‘đọc’. Chúng ta chưa có quá nhiều hứng thú với việc đọc, việc suy tư, chất vấn, phản biện thông qua hành trình đọc”.
Từ đó, Phúc thử thay đổi bằng cách đọc rồi chia sẻ, trao đổi với bạn bè. “Khi ấy, mình cảm nhận đọc thực sự là một hành trình. Hành trình của sự khai phá, trao đổi và lan tỏa những suy tư đến với những người gần mình. Đó có thể chỉ là một bài thơ, một luận điểm, quan niệm nhưng thực sự đã duy trì việc đọc của mình và những người bạn”, Phúc cho hay.
Theo Phúc, với bất kỳ ai, dù thuộc về bất cứ một lĩnh vực nào thì việc đọc sách đều đóng góp ít nhiều. Là một sinh viên ngành quan hệ công chúng, luyện tư duy từ việc đọc sách hay đọc đọc bất cứ dạng thông tin nào sẽ giúp Phúc biết cách nhìn sâu, nhìn xa, nhìn rộng hơn khi tiếp cận vấn đề.
“Đọc còn giúp mình thấu hiểu chính bản thân, những người quanh mình. Và điều này càng quan trọng với sinh viên ngành quan hệ công chúng khi phải tiếp xúc với nhiều người, nhiều đối tượng”, Phúc chia sẻ.
Được biết, Phúc đạt học bổng Tài năng Văn Lang với 100% học phí toàn khóa năm 2023, top 1 sinh viên xuất sắc (GPA: 3,76/4,0 – thủ khoa) khóa 29 năm học 2023-2024 của Khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông. Phúc cũng được nhận bằng khen “Học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu” lần thứ X năm 2023 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tro-thanh-dai-su-van-hoa-doc-nho-co-tu-duy-phan-bien-chat-van-185241104151246817.htm