Mới đây, châu Âu đã ra quyết định áp dụng mức thuế quan mới đối với xe điện Trung Quốc phân phối tại các quốc gia châu Âu sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận. Theo đó, chính sách mới của Liên minh châu Âu (EU) áp mức thuế nhập khẩu lên tới 45,3% đối với một số mẫu xe điện xuất xứ từ Trung Quốc.
Thực tế, động thái điều chỉnh thuế quan với ô tô Trung Quốc đã được EU lên kế hoạch từ lâu và áp dụng sau một đợt thanh tra toàn ngành của Ủy ban châu Âu. Mức thuế nhập khẩu không đánh đồng với tất cả các dòng xe của các hãng xe đến từ Trung Quốc, mà sẽ tùy theo mức độ hợp tác của mỗi thương hiệu với các cơ quan chức năng của EU. Đơn cử như Tập đoàn SAIC – công ty mẹ của thương hiệu ô tô MG phải chịu mức thuế nhập khẩu 35,3%. Trong khi đó, BYD đang phải chịu thêm mức thuế 17% và mức thuế của Geely tăng lên 18,8%.
Ngay sau khi mức thuế quan mới có được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng và chính thức có hiệu lực, hãng tin Reuters đưa tin Bộ Thương mại Trung Quốc đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô trong nước tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ mức thuế mới đối với ô tô Trung Quốc tại châu Âu.
Các nguồn tin của Reuters cho biết, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc được “khuyến khích” chỉ đầu tư vào các quốc gia đã bỏ phiếu chống lại thuế quan. Đồng thời, nên thận trọng về các khoản đầu tư đã lên kế hoạch vào các quốc gia đã bỏ phiếu trắng.
Mười thành viên của Liên minh châu Âu trong đó có Pháp, Ba Lan và Ý, đã ủng hộ việc tăng thuế nhập khẩu. 12 thành viên khác đã bỏ phiếu trắng, trong khi năm thành viên phản đối. Những quốc gia này bao gồm Đức, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đồng thời cũng là một gã khổng lồ trong ngành ô tô.
Chủ trương của Bộ Thương mại Trung Quốc về việc tạm dừng đầu tư vào các quốc gia ủng hộ việc tăng thuế của châu Âu có thể là tin xấu đối với Ý và Pháp. Cả hai quốc gia này đều đang ráo riết săn đón các thương hiệu ô tô Trung Quốc trong những tháng gần đây nhưng đã bỏ phiếu chấp thuận mức tăng thuế quan. SAIC có kế hoạch mở một trung tâm phụ tùng tại Pháp vào cuối năm nay. Trong khi, các công ty của Ý đã làm việc với một số hãng xe đang tìm đầu tư vào quốc gia này, bao gồm Chery và Dongfeng Motor.
BYD là một trong những nhà sản xuất ô tô đang áp dụng “đúng bài”. Trước khi việc tăng thuế quan với ô tô Trung Quốc mới chỉ mới tin đồn, công ty đã cam kết xây dựng một nhà máy ở Hungary. Mới đây, Hungary cũng đã bỏ phiếu chống lại việc tăng thuế nhập khẩu với ô tô Trung Quốc. Do đó, có những đồn đoán cho rằng BYD đang cân nhắc chuyển trụ sở chính tại châu Âu từ Hà Lan sang Hungary.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trung-quoc-yeu-cau-cac-hang-xe-dien-tam-dung-dau-tu-vao-chau-au-185241101145323134.htm