Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tả đôi mắt bò dịu dàng, chú bê con ra đời với trái tim rung vang, trong trường ca “Lò mổ”.
Tác phẩm gồm 18 chương, mượn hình ảnh con vật để nói về đạo đức và nhân sinh, cách con người đối xử với nhau, với môi trường xung quanh.
Nhà thơ xây dựng ý tưởng tập thi ca từ ký ức tuổi thơ, khi ông cùng cha ghé vào một lò mổ ở Hà Đông, số phận của những con vật gợi suy nghĩ về sự khốc liệt của cuộc sống. “Nơi ấy đã khơi dậy trong tôi nhiều câu hỏi về sự sống và cái chết, về cách con người chúng ta đang tồn tại. Để sống, liệu chúng ta có đang đẩy người khác vào cảnh đọa đày, khốn khổ không?”, ông cho biết.
Bìa “Lò mổ” và 18 bức tranh phụ bản. Ảnh: NXB Hội Nhà văn
Nội dung trường ca xoay quanh chàng trai làm việc tại lò mổ và các nhân vật: ông chủ, con vật, thiếu nữ. Ở chương mở đầu, người đọc nhận thấy ranh giới giữa cái đẹp và cái ác qua số phận của con bò và gã đồ tể. Dường như nhân vật ấy đáng thương hơn đáng trách, hắn muốn được giải thoát, biến thành chính con bò để chịu sự trừng phạt, thoát khỏi công việc gây ám ảnh: “Để chàng rời bỏ thế gian nặng nề/ Những khổ đau và tuyệt vọng”. Nhà thơ miêu tả công việc: “Đấy là một nghề. Tàn bạo và trung thực. Những con bò ngã xuống như đi ngủ”.
Xuyên suốt trường ca là hình ảnh mắt bò “mở dịu dàng, buồn bã. Không bao giờ rơi lệ/ lặng lẽ và cô đơn/ khôi nguyên và huyền bí”. Trong những giây phút cuối cùng: “Con bò từ từ quỵ xuống/ dịu dàng như nằm xuống đồng cỏ/ đôi mắt nó vẫn mở/ ngôi sao hôm lấp lánh”. Nhà thơ cho biết đôi mắt vốn là hình ảnh quen thuộc trong thi ca, nhìn vào mắt có thể thấy những thông điệp không nói thành lời, chi tiết được ông đưa vào tập thơ như biểu tượng của sự sống.
Tác phẩm kết thúc ở cảnh chú bê con được sinh ra với trái tim rung vang như “quả chuông lớn nhất thế gian”. Nhà thơ lấy sự ra đi của con bò làm khởi đầu của bản trường ca và kết thúc với hình ảnh chú bê nhỏ. Tập thơ không chỉ viết về cái chết, sự u ám, đau thương mà còn gợi tiếng vọng của tình yêu và khát vọng sống, chú bê ra đời là biểu tượng của sự tái sinh, một cuộc sống mới lại bắt đầu. Mỗi con người được khắc họa trong sáng tác của Nguyễn Quang Thiều, dù ở trong cảnh tối tăm vẫn cố gắng giữ lại nhân tính, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Ông viết:
“Chàng nghe trái tim non nớt của con bê/ Đập rung lên từng hồi/ Quả chuông lớn nhất thế gian/ Làm tan đi những gào thét/ Và lúc này/ Ánh sáng tràn ngập chàng/ Âm nhạc tràn ngập chàng/ Lời tràn ngập chàng/ Chàng cúi xuống/ Đặt bàn tay lên con bê/ Mỉm cười/ Chàng nói: Hỡi chàng trai của ta, hãy đứng dậy!”
Trường ca kết hợp nhiều thể loại như đối thoại, thơ có vần, không vần, thơ thị giác. Theo Nguyễn Quang Thiều, thi phẩm không kể câu chuyện của một cá nhân mà còn là nhiều giọng nói, cuộc đời chồng chéo lên nhau để tạo nên bức tranh đa chiều về những vấn đề của thế kỷ 20. “Không quan trọng viết về cái gì, quan trọng là viết, chia sẻ như thế nào. Trong đời sống này, mọi văn bản, hình thức đều có thể trở thành thơ ca”, ông nói.
Nhà thơ cho biết trong thời gian viết tác phẩm, nhiều đêm ông tỉnh giấc rồi mất ngủ, đối diện cảm giác hoảng loạn và cô độc. Với ông, Lò mổ là lời nguyện cầu về một thế giới yên bình.
Nhà thơ Mai Văn Phấn nhận định tác phẩm thể hiện sự cách tân thơ trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Có chương, ông chỉ để một chữ “ruồi”, lý giải là nhân vật trong trường ca. Còn nhà thơ Trần Lê Khánh viết: “Trường thi không rao giảng những thứ triết lý hiện sinh nhưng rất thật, trần trụi và không thể tàn nhẫn hơn. Ẩn sau trong đó là lòng khát khao mãnh liệt về cái đẹp, cái thiện lạc trong muôn vàn đau khổ của cuộc đời”.
Sách ra mắt với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh (nhà thơ người Mỹ Bruce Weighl – người chuyển ngữ tác phẩm), mở ra hướng tiếp cận mới cho độc giả quốc tế về thể loại trường ca ở Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam
Tác giả Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957 tại Hà Nội. Ông từng nhận hơn 20 giải thưởng văn học trong nước và quốc tế, trong đó có giải của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa (1993). Ngoài ra, ông là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu, điện ảnh và hơn 500 bài bút ký, tiểu luận. Hiện ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi và Mỹ Latin.
Châu Anh
Nguồn: https://vnexpress.net/truong-ca-lo-mo-tieng-vong-cua-tu-do-4850657.html