Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết TP.HCM thực hiện thí điểm mô hình trường tiên tiến từ năm học 2006-2007 tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3.
Bên cạnh việc giảng dạy tốt chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường tiên tiến có nhiệm vụ trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế.
Đến năm 2014, UBND TP.HCM đã cho phép mở rộng việc thực hiện mô hình này ra nhiều trường và nhiều cấp học.
Trong bối cảnh như hiện nay thì mô hình trường tiên tiến ra đời là sự cần thiết, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của xã hội, tiếp cận xu hướng phát triển giáo dục trong khu vực và quốc tế.
Về lâu về dài, những trường tiên tiến đủ mạnh sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn. Nhà trường sẽ tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, trả lương, khen thưởng…; thực hiện chủ trương giảm biên chế nhưng không giảm một cách cơ học mà giảm số lượng người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Hiệu ứng tích cực
* Sau nhiều năm thực hiện mô hình trên, ông nhận định như thế nào về hiệu quả giáo dục của các trường tiên tiến?
– Đến nay TP.HCM có 66 trường ở các cấp học (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) đang thực hiện mô hình tiên tiến.
Trong đó có hai trường trực thuộc trường đại học là Trường trung học Thực hành Sài Gòn (thuộc Trường đại học Sài Gòn) và Trường trung học Thực hành (thuộc Trường đại học Sư phạm TP.HCM).
Mô hình trường tiên tiến đã mang lại những kết quả khả quan. Trong đó nhiều trường đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt: cơ sở vật chất khang trang, hiện đại hơn; trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tăng lên; học sinh năng động, tự tin, bản lĩnh hơn, kỹ năng mềm cũng như kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học tốt hơn…
Ngoài ra, đời sống của đội ngũ giáo viên, nhân viên cũng được cải thiện cả về mặt vật chất lẫn tinh thần…
Nhìn chung mô hình trường tiên tiến đã góp phần giúp cho ngành giáo dục – đào tạo TP.HCM khởi sắc, tạo hiệu ứng tích cực và có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục hiện nay.
* Định hướng phát triển về mô hình này như thế nào, thưa ông?
– Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức có ít nhất hai trường tiên tiến ở mỗi cấp học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT); TP có ít nhất 10 trường THPT, THPT chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí của trường tiên tiến.
Như vậy con số 66 trường tiên tiến như hiện nay vẫn là khiêm tốn so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên sở đã có chủ trương không phát triển mô hình này một cách ồ ạt mà phải là thực chất.
Thứ nhất là chỉ phát triển trường tiên tiến tại những địa bàn đã đảm bảo trường công lập cho các đối tượng phổ cập. Thứ hai là việc theo học tại các trường tiên tiến phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh, học sinh cũng phải đạt các yêu cầu tuyển sinh theo từng cấp học, bậc học.
Thứ ba là việc xây dựng trường tiên tiến phải được thực hiện theo giai đoạn chuyển tiếp, đảm bảo tính ổn định của các đối tượng học sinh đang theo học tại trường.
Tức là khi chuyển đổi sang mô hình tiên tiến phải thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, những học sinh đã và đang theo học tại trường từ trước đó vẫn giữ nguyên cho đến hết cấp học.
Công bằng trong giáo dục
* Thưa ông, có ý kiến cho rằng TP.HCM đã và đang có một số trường tiên tiến giảng dạy rất tốt, tạo được sự tín nhiệm của phụ huynh và xã hội. Nhưng trên thực tế cũng đang có một số trường tiên tiến chỉ có cái “vỏ” (tức cơ sở vật chất khá tốt), còn cái “ruột” thì chưa ổn lắm cả về đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy, chương trình nhà trường. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Đúng là có một số trường đang thực hiện mô hình trường tiên tiến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải khắc phục, thay đổi. Thời gian tới sở sẽ có kế hoạch kiểm tra, rà soát những trường thực hiện mô hình này.
Trên cơ sở đó các phòng, ban của sở sẽ cùng với nhà trường tháo gỡ những khó khăn, xây dựng kế hoạch giáo dục theo đúng hướng tiên tiến, hội nhập.
Chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ các nhà trường đầu tư sâu về chuyên môn để giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy các trường tăng cường việc giáo dục kỹ năng mềm, dạy ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế, tổ chức các hoạt động cho giáo viên, học sinh được trực tiếp giao lưu, học hỏi với các trường ở nước ngoài…
Tuy vẫn thuộc hệ thống giáo dục công lập nhưng trường tiên tiến phải có sự khác biệt với các trường công lập khác, nếu không thì không thể thuyết phục được phụ huynh.
Trường tiên tiến không được phân tuyến khi tuyển sinh đầu cấp, nếu nhà trường không thể hiện được yếu tố “tiên tiến, hội nhập”, không nâng được chất lượng giáo dục thì sẽ khó tồn tại và phát triển.
* Nhiều người còn cho rằng mô hình trường tiên tiến sẽ làm cho tình trạng mất công bằng trong giáo dục diễn ra sâu sắc hơn…
– Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 – 2025 của ngành giáo dục TP.HCM đã nêu rõ một trong các nhiệm vụ của giáo dục là bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả các đối tượng người học.
TP.HCM cũng đang tập trung triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”, tham gia mạng lưới TP học tập toàn cầu của UNESCO.
Trong đó đáp ứng yêu cầu trở thành một TP cung cấp cho tất cả mọi người cơ hội học tập suốt đời, bất kể tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn hay hoàn cảnh xã hội, cũng chính là thực hiện mục tiêu giáo dục hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để tạo cơ hội học tập tốt nhất cho mọi đối tượng người học, ngành giáo dục TP quan tâm phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập; đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên; phát triển mô hình trường tiên tiến…
Việc đa dạng hóa là để cha mẹ học sinh và học sinh có thêm nhiều cơ hội lựa chọn con đường học tập phù hợp.
Học sinh trường tiên tiến phải đạt các tiêu chuẩn nào?
– Học sinh tốt nghiệp THCS có ít nhất 90% sử dụng được tiếng Anh đạt trình độ A2 trở lên, trong đó ít nhất 30% đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo trình độ tương ứng; 100% có kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin, trong đó ít nhất 50% đạt chuẩn tin học quốc tế.
– Học sinh tốt nghiệp THPT có ít nhất 90% sử dụng được tiếng Anh đạt trình độ B1 trở lên, trong đó ít nhất 30% đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo trình độ tương ứng; 100% có kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin, trong đó ít nhất 50% đạt chuẩn tin học quốc tế.
– Các trường THCS, THPT tiên tiến phải có ít nhất 90% học sinh tham gia các hoạt động học tập gắn với thực tiễn cuộc sống; có ít nhất 90% học sinh tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng; có ít nhất 95% học sinh thường xuyên tham gia hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa, trong đó 100% đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực theo độ tuổi; 100% học sinh được phổ cập bơi an toàn và phòng chống đuối nước…
(Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM)
Xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại
Mô hình trường tiên tiến đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục của TP.HCM. Mục tiêu của mô hình này là giúp học sinh hứng thú học tập, chủ động, tích cực, sáng tạo, biết san sẻ, học hỏi lẫn nhau.
Các em được phát huy cao nhất năng khiếu, được rèn luyện phẩm chất, trau dồi các kỹ năng thực hành xã hội. Đồng thời học sinh được tiếp cận với phương pháp giáo dục hiện đại, được tiếp cận những công nghệ tiên tiến, được trang bị kỹ năng ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM kỳ vọng trường tiên tiến sẽ góp phần đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công; tạo điều kiện để một số cơ sở giáo dục có điều kiện trở thành nhân tố tiên phong trong quá trình xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại…
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-tien-tien-hoi-nhap-co-gi-ky-cuoi-phai-thuc-chat-khong-phat-trien-o-at-20241106103309172.htm