Từ 1-1-2025, theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông, xe đưa rước trẻ mầm non, học sinh tiểu học buộc phải có camera, thiết bị chống bỏ quên, dây đai an toàn, người quản lý trẻ trên xe trong suốt chuyến đi…
Để rõ hơn về những thay đổi, phóng viên Báo Người Lao Động trao đổi với ông Phạm Vương Bảo – Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP HCM.
Phóng viên: * Thưa ông, từ 1-1-2025, xe đưa đón học sinh sẽ tuân các quy định mới của Luật Trật tự An toàn giao thông, ông chia sẻ rõ hơn về các quy định này ?
Ông Phạm Vương Bảo: – Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh được quy định tại Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ. Luật có quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh như sau:
– Ngoài thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh thì phương tiện vận chuyển trẻ em, học sinh phải có thiết bị chống bỏ quên trẻ em trên xe.
– Phương tiện phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi
– Khi vận chuyển đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên xe trong suốt chuyến đi. Trường hợp phương tiện vận chuyển từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi ô tô.
– Lái xe khi tham gia vận chuyển đưa rước học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm.
– Phương tiện đưa rước học sinh sẽ được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng giao thông.
Như vậy, kể từ ngày 1-1-2025, tất cả các phương tiện tham gia đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố sẽ tuân thủ theo quy định của Luật Trật tự An toàn giao thông.
* Để chuẩn bị, hiện nay TP HCM đã phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp vận tải, nhà trường như thế nào?
– Để chuẩn bị cho hoạt động đưa rước học sinh kể từ năm 2025, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng đã bổ sung các điều kiện quy định theo Luật Giao thông đường bộ trong tiêu chí xét chọn đơn vị vận tải đủ năng lực đảm nhận khai thác hoạt động vận chuyển học sinh theo hình thức hợp đồng có trợ giá.
Hiện nay, Sở GTVT TP HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Sở GTVT bao gồm các nội dung tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật; ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp.
Dự kiến các công việc này sẽ hoàn thành trong quý IV-2024.
* Hiện nay hoạt động xe đưa rước học sinh trên địa bàn TP HCM ra sao? Có những khó khăn gì trong quá trình thay đổi theo quy định mới của Luật, thưa ông?
– Trong năm học 2024, hoạt động đưa rước học sinh trên địa bàn TP HCM được tổ chức tại gần 100 trường học (khoảng 10% tổng số trường học trên địa bàn thành phố), với số lượng phương tiện tham gia hoạt động khoảng 350 phương tiện có sức chứa từ 16 chỗ ngồi trở lên. Hoạt động đưa rước học sinh được tổ chức chủ yếu theo 03 hình thức.
– Hình thức 1: Nhà trường tự tổ chức đưa rước học sinh do các phương tiện của trường tham gia vận chuyển.
– Hình thức 2: Ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh học sinh tổ chức đưa rước học sinh thông qua việc ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị vận tải. Hình thức đưa rước học sinh này đa số được tổ chức tại các trường trong khu vực nội thành, mức đóng góp của phụ huynh học sinh, nhà trường và đơn vị vận tải tự thương thảo và tổ chức khai thác.
Đây là loại hình mà các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn TP áp dụng. Thực tế qua nhiều năm, các đơn vị vận tải cũng thực hiện các quy định về gắn camera, bố trí người quản lý trên xe. Theo tôi không có khó khăn gì, nếu theo quy định mới, phương tiện sẽ bổ sung thêm thiết bị chống bỏ quên và bố trí thêm 1 quản lý nếu xe chở trên 27 học sinh, sẽ phát sinh thêm chi phí.
Riêng hình thức 3 là đưa rước học sinh có 1 phần trợ giá của nhà nước khi nhà trường ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với Trung tâm Giao thông công cộng để lựa chọn đơn vị vận tải đảm nhận vận chuyển. Thông qua hình thức này, học sinh khi tham gia đi học bằng xe đưa rước sẽ được hỗ trợ một phần chi phí từ ngân sách nhà nước.
Trong năm 2024, Trung tâm Giao thông công cộng đã tổ chức đưa rước tại 11 trường trên địa bàn huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ với số lượng phương tiện tham gia là 22 xe. Trong năm học 2024-2025, các trường học trên địa bàn huyện Củ Chi đã xin ngưng tham gia hoạt động đưa rước học sinh theo hình thức hợp đồng có trợ giá.
Xin cám ơn ông !
Nguồn: https://nld.com.vn/tu-1-1-2025-xe-dua-ruoc-hoc-sinh-tieu-hoc-o-tp-hcm-thay-doi-ra-sao-19624110514225925.htm