Lãng phí về cơ hội và thời gian
Nêu vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu (ĐB) Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (QH), dẫn lại bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí với thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực. Nữ ĐB cũng phân tích 4 nguyên nhân của tình trạng này. Theo bà, một bộ phận cán bộ coi nhẹ chống lãng phí, chỉ xem đây là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Thứ hai, một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước không hiệu quả, song trên thực tế còn có lãng phí về cơ hội và thời gian. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại, như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp (DN); bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước”.
Nữ ĐB cũng chỉ ra “bệnh thành tích”, “tư duy nhiệm kỳ”, “tư duy chủ quan” của một số cán bộ muốn thực hiện dự án ở địa phương, bộ, ngành và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động. Nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án đã không đem lại hiệu quả. Một số dự án đã được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực điểm mặt, chỉ tên.
Cạnh đó, chế tài xử lý hành vi lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao, chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở. “Nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình”, ĐB Phương Hoa nhìn nhận.
ĐBQH thắc mắc ‘nhiều tranh luận về cán bộ sợ sai, nhưng toàn hoàn thành/hoàn thành xuất sắc…’
Dự án “trùm mền”, lãng phí hàng nghìn tỉ
ĐB Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cho rằng bên cạnh chống lãng phí trong khu vực công, cần phải chống lãng phí trong khu vực tư. “Hiện tại rất nhiều dự án nhiều năm nhà đầu tư đang triển khai, nhưng không đưa vào để khai thác được, không đưa vào để thực hiện được, gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực của xã hội”, ĐB nhấn mạnh.
Dẫn báo cáo của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết từ năm 2021 đến tháng 8.2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát). Đây là một con số rất lớn, mà theo bà, không chỉ là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và DN, mà còn làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của DN.
“Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, ĐB Nga nêu.
Cũng chung nỗi lo về lãng phí, ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng bên cạnh kết quả điều hành kinh tế đạt được của Chính phủ, cần sớm có giải pháp thật sự hiệu quả để phát huy hết tiềm lực của xã hội, của nền kinh tế để đưa đất nước chúng ta đi lên. Vấn đề đó theo ông là lãng phí, dù hằng năm QH đều thảo luận đánh giá về công tác này nhưng không bao giờ cũ. Lãng phí là lực cản của sự phát triển đất nước nếu muốn đất nước chúng ta trở thành một nước hùng cường, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
ĐB đoàn Bình Thuận chỉ rõ tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước trong các “dự án trùm mền”, “công trình đắp chiếu” hiện nay trên phạm vi cả nước. Dù chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ, chính xác, song con số này không dưới hàng trăm nghìn tỉ đồng. Cạnh đó còn những lãng phí, hệ lụy xoay quanh như: lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của DN, của đất nước… thì không đo đếm hết, và trên hết đó là lãng phí niềm tin của nhân dân.
“Đơn cử các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành, hay hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hoặc là xây dựng dở dang; hay các công trình, dự án xây dựng hàng chục năm chưa xong…”, ông Thông nêu.
Tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu ?
Nhiều ĐB khi thảo luận đều cho rằng để tạo được sự đột phá về phát triển KT-XH, một trong những yếu tố then chốt là nhận diện và khắc phục điểm nghẽn về thể chế.
Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP.Hà Nội), tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết vẫn chưa được khắc phục, số văn bản còn nợ của năm 2024 chiếm đến 13,94%. Tới đây, công tác xây dựng pháp luật được đổi mới theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự linh hoạt, chủ động cho Chính phủ. Tuy nhiên, theo bà Mai, trách nhiệm đặt lên vai Chính phủ sẽ nhiều hơn, số lượng văn bản hướng dẫn tăng lên cả về số lượng và tính chất. Do đó, nữ ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác những điểm nghẽn.
Bà Mai cũng nhấn mạnh, tư duy “đúng vai, thuộc bài” trong xây dựng pháp luật là đúng, song nhìn nhận, đúng vai nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân, nhưng cũng không bỏ vai, bỏ trách nhiệm được giao. “Cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy, trong đó có luật Tổ chức QH và các quy định liên quan khác để xác định cụ thể phạm vi ranh giới trách nhiệm, quyền hạn để chúng ta có căn cứ pháp lý thực hiện đúng yêu cầu đúng vai”, bà Mai nói.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nói, để tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế thì rất cần nhân lực, song nhân lực hiện nay thì “thực sự cũng đang bị nghẽn”. ĐB Đồng dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên… “Vậy tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa?”, ông Đồng nêu. Vẫn theo ông, nhiệm kỳ này có rất nhiều phát biểu, những tranh luận kéo dài về việc chữa bệnh cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm. Thế nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023 chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Vậy như thế đã là đánh giá đúng tình hình chưa?”, ông Đồng tiếp tục nêu.
Riêng về cải cách tiền lương, ông Đồng nói không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay, nhưng cho dù vậy thì một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác. Điều này dẫn tới các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, QH ủng hộ nhưng “nhân tài thì vẫn như lá mùa thu”.
Đồng quan điểm, ĐB Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng VN cần có những chính sách về dân số, nhất là trước thách thức già hóa dân số như hiện nay. Đồng thời phải có nguồn nhân lực tốt, thì mới duy trì được đà tăng trưởng 6 – 7% trong thời gian tới. Ông Kim cho rằng nếu chỉ tinh giản biên chế bộ máy hành chính cấp huyện, xã thì chưa được, mà cần thực hiện cách mạng hóa về biên chế bộ máy của cả T.Ư và địa phương. “Có bộ trưởng nói với tôi rằng, nếu bộ đó giảm 30 – 40% biên chế thì cũng chẳng hề hấn gì”, ông Kim kể và khẳng định giảm biên chế sẽ có hai tác dụng. Một là giảm được số người sách nhiễu, hai là tăng lương cho những cán bộ mẫn cán, từ đó cán bộ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tu-duy-nhiem-ky-lam-lang-phi-co-hoi-185241104225141326.htm