Trong bài viết Chuyển đổi số-động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh chỉ đạo: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”, “đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại”. Sự chỉ đạo quyết liệt, đặt ra mục tiêu cụ thể của Tổng Bí thư làm tăng thêm quyết tâm cho những người thực hiện công việc số hóa trên các lĩnh vực.
Theo đó, trong lĩnh vực văn hóa, triển khai ứng dụng công nghệ số trong lưu trữ, quảng bá, phát huy các giá trị di sản văn hóa đáp ứng xu hướng tất yếu để văn hóa Việt Nam hòa nhập và giao lưu với các nền văn hóa khác trên thế giới.
Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tạo cơ sở số dữ liệu di sản (E-Heritage) hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) cho di sản văn hóa Việt Nam để đáp ứng thực tiễn phát triển và nhu cầu lưu trữ, nghiên cứu và thưởng lãm giá trị lịch sử văn hóa.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật Dữ liệu vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 11/2024) đã kịp thời đáp ứng khung pháp lý, từ đó tạo điều kiện phát triển chuyển đổi số ở lĩnh vực di sản văn hóa trong tương lai.
Khi lưu trữ và giới thiệu, ứng dụng công nghệ hình ảnh 3D đặc biệt hữu dụng, làm tăng khả năng kết nối, tương tác trong việc sử dụng tư liệu, hiện vật đang lưu giữ, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn và khác biệt.
Trong bảo tồn, nghiên cứu, công nghệ hình ảnh 3D giúp lưu trữ, tái hiện hình ảnh, chế tác phiên bản với mức chính xác cao nhất. Mới đây, công trường khai quật di chỉ Vườn Chuối (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã ứng dụng công nghệ hình ảnh 3D để lưu trữ hình ảnh di vật trong không gian ba chiều của hố khai quật, thu thập tối đa những dữ liệu chân thực nhất phục vụ nghiên cứu.
Công nghệ phát triển cho phép thực hiện công việc này tại hiện trường – điều trước đây chưa làm được. Trong quá trình đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ 3D còn nhiều dư địa phát triển để phục vụ công nghiệp văn hóa nhiều hơn.
Anh Đinh Việt Phương, Giám đốc Công ty 3DArt – đơn vị quét 3D hố khai quật ở Vườn Chuối và gắn bó, hỗ trợ công nghệ với các di sản văn hóa nhiều năm, cho biết: Thị trường hiện nay quan tâm nhiều đến các sản phẩm mô phỏng những di sản, bảo vật cho các nhu cầu đa dạng như trưng bày của các bảo tàng, trang trí-mỹ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, quà tặng lưu niệm…
Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu tất cả di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia; các di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị đầu tiên thử nghiệm số hóa 3D với nhiều hiện vật trên các loại hình, chất liệu khác nhau, ứng dụng công nghệ tương tác thực tại ảo 3D trong giới thiệu trưng bày để phục vụ khách tham quan và nghiên cứu. Sau đó, nhiều bảo tàng khác cũng đạt được những thành công đáng khích lệ. Quá trình số hóa và 3D hóa tư liệu, hiện vật vẫn đang được tiếp tục thúc đẩy, mở rộng và nâng cao trong hệ thống các bảo tàng và di tích.
Tuy nhiên, số hóa và tăng cường ứng dụng công nghệ 3D trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa còn những khó khăn, thách thức. Công nghệ số càng phát triển càng đòi hỏi đầu tư lớn về kinh phí, nguồn nhân lực xây dựng và vận hành. Theo chiều ngược lại, việc sử dụng và ứng dụng các sản phẩm 3D cũng yêu cầu người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa cần được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số…
Nguồn: https://nhandan.vn/ung-dung-cong-nghe-3d-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-post861205.html