Phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư phổi vẫn có thể quay trở lại
Ngày 10/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tổ chức hội thảo Cập nhật chẩn đoán và điều trị ung thư phổi trong thực hành lâm sàng.
TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư. Giống như các bệnh ung thư khác, khả năng sống của bệnh nhân ung thư phổi, hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào việc chẩn đoán sớm hay muộn.
“Đây cũng là một trong những nhân tố hết sức quan trọng quyết định kết quả điều trị, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau chẩn đoán. Mục tiêu của chúng ta là phát hiện thật sớm bệnh”, TS Hùng nhấn mạnh.
Theo ông, những năm gần đây, lĩnh vực ung thư nói riêng, ung thư phổi nói chung, có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị (hóa trị liệu, ứng dụng gen…). Điều này đã góp phần thay đổi bức tranh về bệnh, kéo dài cuộc sống của người bệnh.
Vì thế, những buổi sinh hoạt khoa học đóng vai trò quan trọng để chúng ta cùng xem lại các tiến bộ mới trong chẩn đoán, áp dụng thực tế lâm sàng để giúp chẩn đoán, điều trị hiệu quả hơn.
TS.BS Đào Văn Tú, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K, cho biết thêm, ung thư phổi là loại ung thư đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc và đứng đầu về tỷ lệ tử vong do ung thư trên thế giới. Tỷ lệ chẩn đoán ở giai đoạn sớm, có khả năng cắt bỏ thấp. Trong 10 năm gần đây, thế giới đã có nhiều tiến bộ trong điều trị.
Một điều đáng lưu ý là dù ở giai đoạn sớm thì vẫn có khoảng trên 80% tái phát xảy ra trong vòng 2 năm sau mổ. Tái phát di căn xa thường gặp hơn tái phát tại chỗ. Vì thế, chiến lược điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm cần tối ưu hóa lợi ích của việc kết hợp phẫu thuật và điều trị toàn thân.
Trong đó, bên cạnh phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, còn các phương pháp điều trị mới như miễn dịch, trúng đích. Khoảng 30-60% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR, 5% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen ALK.
Cách phát hiện sớm ung thư phổi
PGS.TS Lê Thanh Dũng, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư phổi gồm hút thuốc chủ động, hút thuốc lá bị động, ô nhiễm môi trường, chế độ ăn sinh hoạt, tuổi (tỷ lệ mắc ung thư tăng theo tuổi)…
Theo PGS Dũng, để phát hiện sớm ung thư phổi, sàng lọc ung thư phổi bằng CT liều thấp (LDCT) là một chiến lược hình ảnh bắt đầu được áp dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ cao ở một số hệ thống y tế.
Hiệp hội Ung thư Mỹ Khuyến nghị sàng lọc ung thư phổi bằng LDCT cho những người đang hoặc từng hút thuốc và có tiền sử hút thuốc ít nhất 20 bao/năm, tuổi 50-80…
Trong khi đó, X-quang ngực, tế bào học đờm chưa được chứng minh là có hiệu quả trong sàng lọc ung thư phổi.
“CT liều thấp có thể phát hiện sớm những nốt đơn độc ở phổi, kích thước dưới 3cm. Tổn thương này có thể là lành tính (nhiễm trùng, viêm, xuất huyết…) hoặc ác tính (ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư phổi tế bào nhỏ). Ước tính 20-30% các trường hợp ung thư phổi có xuất hiện nốt đơn độc ở phổi, 1/3 các nốt này trở thành ác tính”, PGS Dũng nói.
PGS Dũng đánh giá chụp CT liều thấp có hiệu quả rất cao trong việc sàng lọc sớm ung thư phổi. Bệnh nhân có thể chụp nhiều lần, 3-6 tháng một lần để theo dõi mà không lo về vấn đề nhiễm xạ của bệnh nhân.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/ung-thu-phoi-dung-dau-ve-ty-le-tu-vong-lam-gi-de-phat-hien-som-20250110105531414.htm