Chia sẻ với báo chí mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao thời gian vừa qua.
Năm 2025 là mốc phấn đấu để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Các tổ chức tài chính quốc tế, chuyên gia, thành viên thị trường đều cho rằng, khi được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút một lượng vốn, thúc đẩy tăng trưởng quy mô và thanh khoản thị trường.
“Thông tư 68/2024/TT-BTC đã chính thức được ban hành, đánh dấu một bước tiến quan trọng, tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý, đáp ứng tiêu chí về nâng hạng của tổ chức FTSE Russell.
Qua ghi nhận thực tiễn, việc triển khai nghiệp vụ giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước bằng tiền (Non-prefunding) của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đều thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư và đảm bảo sự an toàn, thông suốt từ các thành viên thị trường, các bên liên quan”, bà Phương nói.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đề cập khía cạnh luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được ban hành, trong đó có bổ sung nhiều quy định để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán.
Tích cực gỡ nút thắt nâng hạng thị trường
Theo bà Phương, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang tiếp tục làm việc với bộ, ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH-ĐT để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.
Các bộ, ngành cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Điển hình như sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản; cập nhật và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nhà nước tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài…
“Việc nâng hạng thị trường chứng khoán phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, qua ghi nhận từ các tổ chức quốc tế, trong nước, Việt Nam có nhiều cơ hội để FTSE Russell nâng hạng theo đúng lộ trình.
Cơ quan quản lý vẫn đang nỗ lực cao nhất để triển khai các công việc tiếp theo nhằm tháo gỡ các nút thắt như triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), phối hợp đề xuất nới room nước ngoài, triển khai công bố thông tin bằng tiếng Anh… nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng theo chuẩn của MSCI”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhấn mạnh.
Bà Phương chia sẻ thêm, năm 2025, để thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán cả về chất và lượng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán; siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để thị trường chứng khoán phát triển minh bạch, bền vững.
Cạnh đó, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý và giám sát thị trường, đảm bảo thị trường vận hành an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư…
Trên thế giới có rất nhiều tổ chức đánh giá và phân loại thị trường chứng khoán, nhưng MSCI và FTSE Russell là 2 tổ chức uy tín, có quy mô lớn nhất.
Chỉ khi được 2 tổ chức này công nhận thì thị trường chứng khoán mới dễ dàng thu hút sự quan tâm của dòng tiền ngoại, bởi đa số các quỹ đầu tư trên toàn cầu đều phân bổ tài sản dựa trên sự xếp hạng thị trường của MSCI và FTSE Russell.
Nguồn: https://thanhnien.vn/uy-ban-chung-khoan-tiet-lo-thong-tin-moi-ve-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-185250205084612248.htm