Chào anh! Gần đây anh thường tổ chức các workshop về dịch thuật. Xin hỏi nguyên nhân sâu xa của các hoạt động này?
Đơn giản thôi: Tôi không thể ngồi yên nhìn cảnh chất lượng sách dịch nói riêng và chất lượng tiếng Việt nói chung ngày càng đi xuống. Điều này nhiều người đã nói từ lâu. Tôi phải làm gì đó để góp phần sửa chữa và cải thiện tình hình dịch thuật, tình hình tiếng Việt, vì tôi là nhà văn, dịch giả, biên tập viên chuyên nghiệp lâu năm.
Hy vọng của tôi là, sau khi qua khóa học của tôi và được tôi chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, ý thức và tư duy nghề nghiệp, thì một số người, nhất là các bạn trẻ, sẽ thêm dứt khoát và mạnh mẽ trong việc tự đào luyện để thành những người thực sự tinh thông dịch thuật, trân trọng và am tường tiếng Việt.
Anh đánh giá thế nào về việc bạn đọc VN tiếp cận với sách dịch trong hơn 20 năm đầu của thế kỷ 21? Những cuộc tranh cãi quanh “tín – đạt – nhã” trong dịch tiểu thuyết thời gian trước liệu có đóng góp thúc đẩy việc dịch tác phẩm đi lên?
Nhận định của tôi chắc chắn không khỏi có phần phiến diện và chủ quan, vì tôi không thể tự nhận mình bao quát được toàn bộ bức tranh sách dịch. Tuy nhiên, trong phạm vi tôi quan sát được, những năm gần đây vẫn xuất hiện một số sách dịch có chất lượng tốt. Điều đáng nói là, hầu như tất cả sách này đều là sản phẩm của một số dịch giả ít nhiều thành danh, đã tự xác lập được tên tuổi mình là dịch giả đáng tin cậy. Nhiều người đọc dặn nhau, chỉ khi nào thấy tên các dịch giả này trên bìa sách thì mới mua mà thôi. Họ không phải không có lý. Khá nhiều sách dịch khác, mang những cái tên dịch giả “lạ lẫm”, hoặc kể cả là tương đối quen thuộc, khiến người đọc thất vọng, từ ít đến nhiều.
Mặt khác, nói về dịch thuật, ta không nên chỉ bó hẹp trong sách dịch. Bức tranh dịch thuật còn bao hàm cả dịch thuật trên phương tiện truyền thông đại chúng (sau đây gọi tắt là media), dịch phụ đề phim… Ở những mảng này, đặc biệt là media, chất lượng dịch thuật càng tệ hại. Điều đáng buồn là, bất kể trước đây từng có bao nhiêu tranh luận về chất lượng dịch, tình hình chẳng những không được cải thiện mà còn đi xuống.
Xem ra đang tồn tại một nghịch lý, đó là so với thời đại trước, người ta ngày càng có điều kiện để học ngoại ngữ và giỏi ngoại ngữ. Chẳng lẽ không có viễn cảnh tươi sáng nào cho dịch thuật, ví dụ như trường hợp của Nguyễn An Lý được giải thưởng dịch thuật ở Mỹ?
Trường hợp Nguyễn An Lý hơi khác, đó là dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, ta thấy tình tiết này góp một vệt sáng vào bức tranh của tình hình dịch thuật nước nhà: Đó là trong khi mảng sách “nhập khẩu” vẫn còn ngổn ngang lắm vấn đề, thì mảng sách “xuất khẩu” bắt đầu có tiến triển mới theo hướng tích cực.
Là một người làm việc lâu năm trong ngành xuất bản, anh đánh giá thế nào về việc bất cân xứng trong khai thác mảng văn học dịch và văn học trong nước? Nếu nói ngành xuất bản chủ yếu tập trung dịch các tác phẩm nước ngoài chứ không mảy may gì đến xuất khẩu văn học VN ra thế giới, anh có đồng ý không?
Nói đến văn chương VN, người nước ngoài, trước hết là người phương Tây, chỉ biết tới, nghĩ tới vỏn vẹn vài cái tên thôi: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh… Một tác giả được coi là “đại thụ” ở VN như Nguyễn Huy Thiệp, độc giả văn chương tầm trung ở phương Tây gần như chắc chắn là chưa hề nghe nói tới. Một dúm nhà nghiên cứu, chủ yếu là người quan tâm đặc biệt đến VN, thì không kể. Đó là bức tranh đáng buồn mà người trong giới xuất bản VN sẵn sàng thừa nhận. Tuy nhiên, họ không làm gì cả, hoặc gần như không làm gì cả. Trong khi về lý mà nói, xuất khẩu văn chương VN ra nước ngoài trước hết và trên hết là việc của ngành xuất bản. Nếu họ không làm, thì ai làm?
Ở các hội chợ sách quốc tế, theo quan sát của anh, vị thế của văn học khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả VN, đang thế nào?
Tôi chưa có dịp đến dự trực tiếp các hội chợ sách quốc tế, tuy nhiên theo tôi biết, Indonesia là khách mời danh dự tại Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt năm 2015. Indonesia là một nước Đông Nam Á, với hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội tương đối gần gũi với VN (không như Hàn Quốc, Nhật Bản). Lâu nay, người Việt quen “nhìn lên”, chỉ tự so sánh mình với các cường quốc Âu, Mỹ, cường quốc Đông Á. Đã đến lúc ta phải “nhìn ngang” nhiều hơn. Bao giờ đến lượt VN là khách mời danh dự tại Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt, Hội chợ Sách quốc tế Bologna…?
Mùa thu năm nay, tôi tham gia một chương trình viết văn diễn ra 2 tháng ở Thượng Hải dành cho 7 nhà văn quốc tế, được tiếp cận một số nhà văn đến từ những quốc gia có ngành xuất bản khá mạnh hoặc khu vực ngôn ngữ lớn như Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Brazil…, tôi nhận thấy ở các nước đó, họ đều có quỹ và chính sách hỗ trợ việc dịch tác phẩm của tác giả nước họ. Anh có nhận ra đã đến lúc VN cần phải chú trọng chuyện dịch tác phẩm trong nước?
“Việt Nam” ở đây cụ thể là ai? Nhà nước chăng? Nếu trong số tiền 112.000 tỉ đồng “đầu tư phát triển văn hóa” mà Quốc hội vừa thông qua, có chừng 1 phần ngàn (112 tỉ đồng) dành riêng cho xuất khẩu văn chương VN thì quá tốt. Tuy nhiên, giả như có vậy thật, thì vẫn treo đó một câu hỏi khổng lồ khó giải đáp: 112 tỉ đó sẽ được quản lý và điều tiết như thế nào để bảo đảm được chi ra đúng mục đích, một cách công minh, chính trực? Rồi thì nhà xuất bản ư? Hãy xem họ đã làm gì, đang làm gì. Tôi chẳng có mấy niềm tin rằng, trong tương lai gần hay xa, các đơn vị xuất bản sẽ động đậy nhiều hơn một chút trong chuyện xuất khẩu văn chương Việt. Lý do ư? Đơn giản thôi: Vì đó là một việc có độ rủi ro cao: đầu tư không nhỏ, triển vọng thu lãi quá mong manh. Nói cho công bằng thì họ lựa chọn như vậy hợp lý thôi: kinh doanh là phải có lãi. Trong hoàn cảnh đó, không còn cách nào khác ngoại trừ chính nhà văn phải tự xuất khẩu tác phẩm của mình. Trong khi về lý mà nói, đó không phải việc nhà văn phải làm. Việc nhà văn phải làm là viết. Viết hay hết sức mình.
Anh nhấn mạnh chuyện nhà văn tự xuất khẩu tác phẩm của mình. Tự xuất khẩu bằng cách nào, thưa anh?
Đầu tiên phải có bản dịch tốt, cố nhiên. Vấn đề là làm thế nào có bản dịch tốt? Chẳng phải là không có dịch giả đủ giỏi để cho ra bản dịch tiếng Việt sang tiếng Anh với chất lượng cao, nhưng vấn đề lại còn là anh không thể trông đợi họ dịch không công cho mình. Trong khi nếu tôi không lầm thì phần lớn nhà văn VN, và hẳn trên thế giới đều vậy, không phải là đại gia. Không có tiền thuê dịch giả giỏi, nhà văn chỉ còn con đường duy nhất là tự dịch của mình, nếu anh tự tin mình đủ khả năng như tôi đang làm. Ở đây lại có vấn đề khác: Lấy đâu ra đủ thời gian để tự dịch tác phẩm của mình, khi mà hầu hết thời gian của anh đã phải tiêu tốn vào việc chính là viết văn và việc chẳng đặng đừng là làm để kiếm cơm?
Và, cứ cho là bằng cách nào đó anh có được bản dịch tốt; chừng đó mới bắt đầu cuộc hành trình gian khổ “vượt vũ môn”. Làm sao anh có thể thuyết phục giới xuất bản nước ngoài, đặc biệt là phương Tây, rằng tác phẩm của anh đáng cho họ đầu tư, trong khi họ luôn luôn mang sẵn một cái khung cứng quèo để “đo” nhà văn VN và nhà văn thế giới thứ ba nói chung. Cái khung đó là gì? Ví dụ: “chiến tranh VN”. Ví dụ: “lột tả một hiện thực mà người phương Tây ít biết (exotic)”. Ví dụ: “văn hóa Việt truyền thống”.
Đó cũng chính là trải nghiệm của tôi khi gặp gỡ giới xuất bản và nhà văn quốc tế. Bàn về văn chương VN, đến hôm nay người ta vẫn nghĩ đến chiến tranh hay chất exotic xa lạ với phương Tây, thứ mà ở mảng điện ảnh đang dần vượt lên được. Anh nghĩ lý do là gì?
Nói về Brazil chẳng hạn, người Việt biết những gì? 1) bóng đá; 2) cà phê; 3) samba, lambada. Còn gì nữa? Đó là cái exotic mà người Việt chờ đợi ở Brazil. Cũng vậy, chiến tranh, hay cải lương/quan họ/rối nước là những món exotic điển hình cho VN trong tâm thức người phương Tây. Việc của nhà văn VN là phá tung cái “nhà tù” ấy, vượt ra xa thật xa bên ngoài cái lồng ấy.
Nhưng Brazil sử dụng ngôn ngữ Bồ Đào Nha, là một trong những ngôn ngữ lớn của thế giới. Trong khi đó, ngôn ngữ VN ít người biết hơn và có vẻ VN không thể như Hàn Quốc, có một làn sóng K-pop và bây giờ cũng đã có Nobel rồi, để khiến người ta đi học ngôn ngữ của họ?
Chính vì tiếng Việt ít người biết tới và văn chương Việt gần như là con số 0 trên bản đồ văn chương thế giới, cho nên tình trạng exotic trong cách nghĩ của nước ngoài, mà chủ yếu là phương Tây, về VN lại càng nặng nề, càng trầm kha. Song Lang hay Vợ ba là những bộ phim không tồi; tuy nhiên có thể thấy rằng đó là những bộ phim được làm ra chẳng phải là không có chủ ý dọn cỗ exotic cho phương Tây.
Anh có nghĩ các giải thưởng văn học, điển hình nhất là giải Nobel là giấy chứng nhận cho chất lượng của tác phẩm không?
Người ta nói khá nhiều về chuyện này rồi. Nếu được trao một giải thưởng văn chương tầm cỡ, từ Nobel cho tới Goncourt, Booker, Cervantes…, cố nhiên anh được biết tới nhiều hơn, tác phẩm của anh bán được tốt hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là anh đương nhiên thuộc vào lớp “ngoại hạng” của làng văn chương thế giới. Ban giám khảo tất cả các giải thưởng văn chương – từ giải nhỏ tới giải lớn – đều là con người, đều có thể sai lầm, đều có thể hành động và lựa chọn tùy theo sở thích riêng, thiên kiến riêng, tính toán riêng…
Chẳng hạn, giải Nobel gần nhất được trao cho nhà văn Han Kang của Hàn Quốc không nhất thiết vì Han Kang đương nhiên thuộc số nhà văn hàng đầu thế giới, mà rất có thể là vì: 1) đã khá lâu rồi, từ sau Mạc Ngôn, không có nhà văn châu Á nào được trao giải Nobel; 2) chưa có nhà văn Hàn Quốc nào được trao giải Nobel trong khi Hàn Quốc là một cường quốc có vị thế ngày càng lớn trên thế giới, không chỉ về kinh tế – chính trị – quân sự – ngoại giao mà cả về văn hóa, với làn thủy triều K-pop và K-drama chiếm lĩnh toàn cầu, với nhiều nhà làm phim đã giành những giải thưởng điện ảnh cao nhất. Tôi không nói rằng Han Kang không hay. Tôi đánh giá cao Người ăn chay của nữ nhà văn này. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng bà được trao giải Nobel không hẳn chỉ là do chất lượng văn chương của bà mà có lẽ phần nhiều hơn là nhờ “thiên thời địa lợi nhân hòa”.
Vậy thì nhà văn dù có nỗ lực thế nào trong việc xuất khẩu tác phẩm của mình, liệu có khả thi để chạm đến được Nobel, khi mà ta ngầm hiểu rằng Nobel không phải là câu chuyện của cá nhân, mà của một ngành xuất bản?
Như trên đã nói, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng xuất khẩu văn chương Việt không phải là việc của cá nhân nhà văn. Đó là việc của cộng đồng, trước hết là của ngành xuất bản, sau nữa là của nhà nước. Theo tôi biết, một số nhà văn VN đã và đang tích cực hành động, kể cả dù trong tình thế cô đơn cùng cực. Đến bao giờ thì cộng đồng mới bắt đầu chuyển động mạnh mẽ theo họ?
Mặt khác, một số người đã nói, đúng chứ không sai: Nhiệm vụ của nhà văn là viết hay hết sức mình chứ không phải viết để giành giải Nobel. Nếu thực sự xuất chúng, và nếu gặp “thiên thời địa lợi nhân hòa” thì, biết đâu đấy, một ngày nào đó, một nhà văn VN được giải Nobel. Nhưng nó, giải thưởng Nobel ấy, là cái bóng từ người khổng lồ – là anh – đổ xuống. Từ anh mà có nó, chứ không phải ngược lại.
Ngoài tác phẩm của chính anh, anh có ý định “dịch ngược” tác phẩm của tác giả VN nào trong tương lai không?
Riêng trong việc này, tôi tự cho phép mình “ích kỷ”. Tôi chỉ có thể dịch ngược tác phẩm của chính mình mà thôi. Với quỹ thời gian ít ỏi tôi đang có thì chừng đó đã đủ là nhiệm vụ quá lớn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tran-tien-cao-dang-van-chuong-viet-gan-nhu-la-con-so-0-tren-ban-do-van-chuong-the-gioi-185241229001434312.htm