Thứ tư, Tháng tư 23, 2025
HomePháp LuậtVăn hóa tuân thủ pháp luật: Nền tảng xây dựng xã hội...

Văn hóa tuân thủ pháp luật: Nền tảng xây dựng xã hội pháp quyền

(PLO)- “Văn hóa tuân thủ pháp luật” được xác định phải là nền tảng đạo đức sống và hành vi chuẩn mực trong xã hội hiện đại.

Sáng 14-4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bàn về nội hàm, tiêu chí đánh giá, đo lường văn hóa tuân thủ pháp luật”.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: TRẦN MINH

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: TRẦN MINH

“Văn hóa tuân thủ pháp luật” lần đầu được xác lập trong văn kiện Trung ương

Theo Bộ Tư pháp, lần đầu tiên, cụm từ “văn hóa tuân thủ pháp luật” được đề cập trong Thông báo số 108-KL/TW ngày 18-11-2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu: “Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh: “Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật không chỉ là mục tiêu, mà còn là giải pháp để thúc đẩy quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Văn hóa pháp luật phải trở thành nền tảng đạo đức sống và chuẩn mực ứng xử trong mỗi tổ chức, mỗi công dân”.

z6503643916467_75b674ef50e9ac047c757c802cac5724.jpg
Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) chia sẻ trong hội thảo. Ảnh: TRẦN MINH

Theo ông Phan Hồng Nguyên, để hiểu đúng khái niệm “văn hóa tuân thủ pháp luật”, cần làm rõ hai yếu tố nền tảng: “văn hóa” và “tuân thủ pháp luật”. Văn hóa là kết tinh của tri thức, đạo đức, lối sống và giá trị. Còn tuân thủ pháp luật không đơn thuần là hành vi không vi phạm, mà là thái độ sống có trách nhiệm, chủ động và tự giác đối với quy định của pháp luật.

Từ đó, văn hóa tuân thủ pháp luật được hiểu là “thói quen, lối sống, giá trị, chuẩn mực, niềm tin và hành vi được hình thành, duy trì và được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng, thể hiện thái độ tích cực và ý thức tự giác, chủ động của cá nhân, tổ chức trong thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật, đồng thời không thực hiện những điều mà pháp luật cấm”.

Đối với cộng đồng, theo ông Nguyên, môi trường văn hóa pháp lý được phản ánh qua việc: “Các hành vi đúng pháp luật trở thành thói quen ứng xử phổ biến; các thiết chế như gia đình, nhà trường, tổ dân phố góp phần giáo dục pháp luật; cơ quan nhà nước thực thi công vụ minh bạch; người dân tham gia giám sát, phản biện xã hội một cách văn minh, có trách nhiệm”.

Tuy nhiên, theo ông Phan Hồng Nguyên, tình hình vi phạm pháp luật còn phức tạp, đặc biệt là tội phạm mạng, vi phạm dân sự, hành chính. Nhiều địa phương còn chậm tiếp cận thông tin pháp luật, cán bộ chưa gương mẫu, công tác phổ biến còn hình thức, chưa tạo thành thói quen tự giác tuân thủ trong người dân.

Do đó, ông kiến nghị một số nhóm giải pháp quan trọng: Nâng cao dân trí, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; hoàn thiện hệ thống pháp luật dễ hiểu, dễ tiếp cận; đầu tư mạnh cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin;…

“Văn hóa tuân thủ pháp luật là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng xã hội hiện đại, dân chủ và văn minh. Pháp luật chỉ thực sự đi vào đời sống khi nó trở thành thói quen, là nhu cầu tự thân và là chuẩn mực hành vi được tôn trọng”, ông Phan Hồng Nguyên khẳng định.

Văn hoá tuân thủ pháp luật: “Thước đo mềm” của một xã hội văn minh

Trong khuôn khổ hội thảo về “Văn hoá tuân thủ pháp luật”, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Trưởng khoa Khoa Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp – đã có phần trình bày chuyên sâu, hé mở những góc nhìn vừa học thuật vừa thực tiễn về một chủ đề đang dần trở thành “thước đo mềm” cho sự phát triển của xã hội.

z6503637684202_990e01d4c56edfafdaa17ec934b70df7.jpg
PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Trưởng khoa Khoa Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn; Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày phần tham luận. Ảnh: TRẦN MINH

Dưới lăng kính lý luận, PGS.TS Viễn khẳng định: “Văn hoá tuân thủ pháp luật không chỉ là sự tuân theo một cách thụ động những điều pháp luật cấm, mà là tổng hoà của cả bốn hình thức thực hiện pháp luật: tuân thủ, thi hành, sử dụng và áp dụng pháp luật”. Đây là quan điểm mở rộng đáng chú ý, vượt ra khỏi cách hiểu truyền thống vẫn thường chỉ gói gọn văn hoá tuân thủ trong hành vi thụ động.

Văn hoá tuân thủ pháp luật, theo PGS.TS Viễn – được nhận diện bằng ba dấu hiệu nổi bật: (i) tư duy tuân thủ pháp luật; (ii) hành vi phù hợp chuẩn mực pháp lý, đạo đức; và (iii) kết quả là sản phẩm của tư duy và hành vi hợp pháp. Trong đó, yếu tố hành vi được xem là biểu hiện khách quan rõ rệt nhất, gắn với việc giới hạn bản thân trong khuôn khổ luật định.

Một nội dung quan trọng khác được nhấn mạnh là vai trò của cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng hình mẫu văn hoá tuân thủ, từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp. Ông khẳng định: “Văn hoá công vụ phải thể hiện mức độ cao nhất của việc tuân thủ pháp luật – nghiêm minh, minh bạch và liêm chính”.

Sở Tư Pháp TP.HCM và SATRA tiếp Đoàn Đại biểu những người làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 tỉnh Bắc Ninh
Khi mạng xã hội biến thành nơi giao dịch bất hợp pháp sổ BHXH
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/van-hoa-tuan-thu-phap-luat-nen-tang-xay-dung-xa-hoi-phap-quyen-post844217.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay