Tạo động lực cho người trẻ
Trong những ngày giáp tết vừa qua, khi đi ngang đường Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP.HCM), không khó để nhận ra con hẻm dẫn vào “ngôi nhà lụa Việt” qua mảng màu sắc nổi bật của những dải lụa mềm bay trong gió. Tọa lạc trên nền một ngôi biệt thự cổ là không gian showroom trưng bày các tác phẩm tranh lụa, áo dài lụa vẽ tay của nhà thiết kế – nghệ nhân Trung Đinh và các học trò.
Với 12 năm khai phá, khởi xướng và tạo nên một làn sóng mạnh mẽ cho phong trào nhuộm lụa thủ công, vẽ tranh lụa theo phương pháp mới, nghệ nhân quê Phú Yên ấp ủ kế hoạch làm showroom từ rất lâu nhưng đến nay mới thành hiện thực. Trung Đinh chia sẻ: “Thông qua không gian này, tôi mong tạo ra cảm hứng cho học trò theo nghề vẽ tranh lụa và khơi dậy cảm hứng ở các nhà thiết kế trẻ. Tôi mong bạn trẻ sẽ dành sự ưu ái đặc biệt cho vải lụa Việt thay vì các chất liệu của nước ngoài”.
Trước khi “phải lòng” vải lụa tơ tằm VN, nhà thiết kế sinh năm 1983 làm giám đốc sáng tạo của một thương hiệu thời trang Ý. Tuy nhiên, anh đã quyết định dừng công việc vốn được nhiều người mơ ước để chuyên tâm cho việc phát triển kỹ thuật nhuộm lụa ombre và vẽ tranh lụa thủ công.
Trung Đinh cho biết từ lúc còn là sinh viên thiết kế thời trang, anh đã nhận ra một trong những vấn đề lớn nhất của thời trang VN, đặc biệt với các nhà thiết kế trẻ, chính là sự phụ thuộc vào thị trường. Nếu các thương hiệu lớn có thể đặt hàng riêng các loại chất liệu có họa tiết và màu sắc theo yêu cầu, thì người trẻ chỉ có thể làm thời trang dựa trên những gì chợ vải cung cấp. Lụa Việt không thể “sống” trên chính đất nước mình thì làm gì có xuất khẩu? Câu hỏi này khiến anh lao vào tìm hiểu và nhận ra lý do khiến các làng nghề trồng dâu nuôi tằm dần mai một là vì họ chỉ có thể bán sợi thô thay vì lụa thành phẩm chất lượng cao.
Sau hơn 2 năm thử nghiệm với vô số thất bại, nhà thiết kế Trung Đinh đã nghiên cứu thành công kỹ thuật nhuộm lụa thủ công từ màu acrylic. Bên cạnh đó, anh cũng phát triển kỹ thuật vẽ tranh lụa mới đơn giản và dễ ứng dụng hơn. Hai kỹ thuật này được kết hợp khéo léo trên các bộ trang phục áo dài, khăn lụa, đầm váy, túi xách… vừa đạt hiệu quả thẩm mỹ, vừa tiệm cận xu hướng thời trang và nhu cầu của người tiêu dùng. Trung Đinh kể ban đầu anh phải đi tìm từng học trò để đào tạo, truyền nghề nhằm gây dựng phong trào nhuộm lụa, vẽ tranh trên lụa; đến nay số lượng học viên đã vượt 4.000.
“Tôi vui vì mình là người khởi xướng phong trào yêu tơ lụa, yêu văn hóa và nghệ thuật thủ công VN. Con đường này ngày càng rõ nét, ngày càng có nhiều bạn trẻ biết đến và chọn theo đuổi. Tôi tin nhiều thế hệ nghệ nhân, họa sĩ, nhà thiết kế sẽ vực dậy được con đường tơ lụa Việt”, Trung Đinh tâm sự.
Kết nối hội họa và thời trang
Vải lụa được thế hệ 8X và các học trò của nghệ nhân Trung Đinh sử dụng phần lớn là lụa tơ tằm Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam), lụa Bảo Lộc, lụa Toàn Thịnh… Các tấm lụa trắng được căng phẳng trên khung tre và được quét nhiều lớp màu để tạo nên độ đậm nhạt theo ý muốn. Kỹ thuật này cho phép nghệ nhân tạo nên những mảng màu loang (nhuộm ombre) và tạo ra màu sắc theo ý muốn. Tiếp sau quy trình nhuộm là vẽ họa tiết theo chủ đề bằng kỹ thuật vẽ tả thực tạo nên hiệu quả mỹ thuật ấn tượng.
Trong số hơn 4.000 học viên của nhà thiết kế Trung Đinh đã ra nghề, nhiều người tự xây dựng thương hiệu riêng, nhiều người làm việc cho các thương hiệu và nhà thiết kế khác. Võ Thiên Vũ là một trong số học trò được giữ lại làm họa sĩ vẽ áo dài. Chàng trai sinh năm 2003 kể, sau khi thi đại học, anh một mình khăn gói lên TP.HCM học nghề. Vũ hài lòng với lựa chọn của bản thân thay vì đi theo định hướng của gia đình. Anh nói: “Học nghề thủ công cần phải tỉ mỉ và kiên nhẫn. Em thấy mình yêu văn hóa hơn, yêu áo dài và yêu hội họa thủ công trên lụa VN nhiều hơn sau 3 năm gắn bó”.
Còn Linh Trịnh, một cựu học viên khác, chọn con đường xây dựng trung tâm dạy vẽ. Cô mở các khóa học online và trực tiếp để dạy vẽ trên các sản phẩm túi xách, áo phông, áo sơ mi, khẩu trang, áo dài… với nhiều đề tài đa dạng.
Nghệ nhân Trung Đinh cho biết vẽ tranh lụa không chỉ được người trẻ học như một nghề nghiệp, học để thỏa mãn đam mê hội họa mà còn được xem như một môn giải trí lành mạnh. Rất nhiều học viên U.70 đến từ mọi miền đất nước, có người từ Mỹ, Canada về VN học vẽ tranh, nhuộm lụa như một cách “thiền” bên cạnh niềm vui tự tạo nên tác phẩm tranh lụa hay các bộ trang phục độc đáo để bản thân sử dụng.
Là một trong số ít nhà thiết kế vừa gây tiếng vang với các bộ sưu tập đẹp vừa có câu chuyện văn hóa ấn tượng, Trung Đinh nhiều lần được mời tham gia các sự kiện văn hóa, ngoại giao của TP.HCM. Chỉ riêng năm 2024, anh 3 lần mang các bộ sưu tập áo dài đi trình diễn, giới thiệu kỹ thuật nhuộm ombre trong các chương trình xúc tiến du lịch TP.HCM tổ chức ở Úc, Nhật và Trung Quốc. Các bộ sưu tập áo dài danh thắng thế giới, danh thắng và cảnh đẹp VN của anh đều gây được tiếng vang. Showroom lụa Việt cũng trở thành một địa điểm văn hóa, nơi không chỉ có áo dài, tranh lụa mà còn có câu chuyện về lụa Việt và nghệ thuật thủ công trên lụa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ve-tranh-nhuom-lua-de-giu-van-hoa-viet-185250204222331774.htm