Vi phạm bản quyền tập trung ở dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội và tin nhắn trực tuyến.
Trong đó, 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin; tỉ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền như trang web lậu chiếm tới 61%.
Theo ghi nhận, hành vi vi phạm bản quyền phổ biến là livestream trên mạng xã hội; sao chép nguyên trang hoặc chỉnh sửa nội dung thông tin, video rồi đăng tải trái phép lên mạng. Các vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi và uy tín của chủ sở hữu nội dung. Một báo cáo gần đây cũng chỉ ra vi phạm bản quyền khiến Việt Nam thiệt hại 350 triệu USD (tương đương hơn 7.000 tỉ đồng) trong năm 2022.
Ông N.T (TP HCM), nhà sáng tạo nội dung, phản ánh vừa đăng bản tin, bài viết lên trên website của doanh nghiệp được 10-15 phút thì đã bị nhiều trang Facebook, YouTube, TikTok như N.Q.S, T.A, K… – sở hữu hơn 1 triệu lượt theo dõi – tự ý lấy lại, chỉnh sửa thành video ngắn rồi đăng lên nền tảng. “Hậu quả là không chỉ lưu lượng truy cập của webiste doanh nghiệp liên tục giảm mạnh mà nhiều nội dung bị cắt xén gây hiểu nhầm, làm ảnh hưởng đến uy tín của tôi và doanh nghiệp” – ông T. bức xúc.
Ngay cả KOL, KOC cũng không thể ứng phó với tình trạng vi phạm bản quyền trên mạng. C.B, một KOC có hơn 4 triệu follower trên TikTok, cho biết thường bị các tài khoản mạng xã hội ghi lại màn hình trong các buổi livestream bán hàng, cắt thành nhiều đoạn ngắn 1-2 phút để đăng lại và gắn giỏ hàng tương tự với giá rẻ hơn 10%-20% nhưng không được kiểm chứng chất lượng. “Tôi có ê-kíp trên dưới 10 người hỗ trợ các phiên live nhưng không thể báo cáo hết vi phạm bản quyền vì quá nhiều” – KOC này than.
Vi phạm bản quyền còn xảy ra trong lĩnh vực phim ảnh, thể thao. Dù cơ quan quản lý nhà nước đã xóa sổ nhiều trang web chiếu phim lậu như bilutvt.net, tvhayh.org, animefull.net… nhưng hàng loạt kênh khác vẫn mọc lên. Người dùng internet cũng hoàn toàn có thể xem những trận đấu bóng đá có bản quyền một cách miễn phí và tiếp cận quảng cáo cá độ trái phép trên mạng.
Ông Huỳnh Quang Minh, đồng sáng lập House of Deera – đơn vị đào tạo, quản lý KOL, KOC – cho rằng không dễ “dẹp loạn” vi phạm bản quyền trên không gian mạng bởi tình trạng này diễn ra tràn lan, hình thức ngày càng tinh vi. Theo ông Minh, cần yêu cầu các nền tảng mạng xã hội và đơn vị quản lý các ứng dụng phải có văn phòng tại Việt Nam để khi xảy ra vi phạm bản quyền, người dùng có thể báo cáo, nhằm ngăn chặn tình trạng này lan rộng. Người sở hữu bản quyền cũng cần chủ động báo cáo đến cơ quan chức năng hoặc tham gia các mạng lưới đa kênh để được hỗ trợ giải quyết vấn đề bản quyền nhanh chóng.
Luật sư Bùi Thị Ánh Tuyết, Đoàn Luật sư TP HCM, góp ý cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền bằng công nghệ như cảnh báo, đề xuất chặn tên miền hoạt động; nhận dạng nội dung bản quyền tự động như cách mà nền tảng YouTube đang triển khai… Trong trường hợp xác định được chủ thể xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, mức phạt có thể đến 3 năm tù hoặc phạt tiền lên đến 3 tỉ đồng.
Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện nền tảng TikTok cho hay khi xảy ra vi phạm bản quyền, chủ sở hữu có thể báo cáo vi phạm cho nền tảng để yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm. Lưu ý cung cấp chính xác thông tin để tránh trường hợp bị từ chối khiếu nại. “Nền tảng TikTok đang cải thiện mỗi ngày để hỗ trợ người dùng xử lý vi phạm bản quyền một cách tốt nhất” – đại diện TikTok cam kết.
Nguồn: https://nld.com.vn/vi-pham-ban-quyen-tren-mang-ngay-cang-tinh-vi-196241102203357871.htm