Theo đài Al Jazeera, kết quả thăm dò sai lệch này đã diễn ra suốt 3 kỳ bầu cử gần đây nhất của Mỹ, tất cả đều có sự tham gia của ông Trump.
Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 5-11, các cuộc thăm dò dư luận đã dự đoán một cuộc đua sít sao giữa ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris.
Không những vậy, hầu hết thăm dò cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump với cách biệt nhỏ vài điểm phần trăm, bao gồm tại các bang chiến trường.
Bất chấp điều đó, ông Trump đã giành chiến thắng ở 5 trong số 7 bang chiến trường – Pennsylvania, Georgia, North Carolina, Michigan và Wisconsin – và các dự báo trên truyền thông cũng cho thấy ông sẽ giành được cả 2 bang còn lại là Arizona và Nevada.
Hầu hết các chiến thắng này đều có biên độ lớn hơn so với dự đoán của các cuộc thăm dò.
Không những thế, ông Trump đang trên đường thắng đậm đối với số phiếu phổ thông với khoảng cách lên tới 5 triệu phiếu, điều mà không một đảng viên Đảng Cộng hòa nào có thể tự hào kể từ thời cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush năm 1988.
Điều này cũng trái với các kết quả thăm dò liên quan.
Tại tiểu bang thường ủng hộ Đảng Cộng hòa Iowa, một cuộc khảo sát nhiều cử tri nữ dự đoán ông Trump sẽ thua cuộc với khoảng cách khá xa từng khiến ông phẫn nộ.
Kết quả này ngược với thăm dò từ Đại học Emerson cho thấy ông Trump có thể thắng với cách biệt lên tới 9 điểm %. Và cuối cùng ông thắng với cách biệt 13 điểm %.
Bà Tina Fordham từ Công ty tư vấn rủi ro Fordham Global Foresight chia sẻ với Al Jazeera rằng khi các cuộc thăm dò đưa ra kết quả sai lệch, nó “làm trầm trọng thêm một thách thức quan trọng trong cuộc đua này là tính thiếu chính đáng của cuộc thăm dò”.
Tại các “bang xanh”, nơi ông Trump thua bà Harris, đa phần ông cũng chỉ thua với cách biệt về số phiếu ít hơn nhiều so với dự đoán từ các cuộc thăm dò.
Theo Al Jazeera, sự sai lệch trong các cuộc thăm dò phụ thuộc vào những người tham gia khảo sát, mức độ đại diện của họ đối với cử tri và mức độ trung thực của họ khi trả lời.
Ông Nate Silver, người sáng lập Công ty thăm dò ý kiến FiveThirtyEight, thừa nhận trong chuyên mục của mình trên tờ New York Times rằng một thách thức chính khi tổ chức thăm dò là có đủ số lượng cử tri tiềm năng tham gia.
Theo phát hiện của AAPOR, những người ủng hộ Đảng Cộng hòa có thể ít muốn nói chuyện với giới truyền thông hoặc ít trả lời các cuộc khảo sát hơn phía Đảng Dân chủ.
Ngoài ra, chính ông Trump cũng đã công khai chỉ trích các cuộc thăm dò ý kiến là “giả mạo”, điều có khả năng khiến những người ủng hộ ông không tham gia các khảo sát nữa.
Ngược lại, các nhà phân tích cho biết Đảng Dân chủ, đặc biệt là những người có trình độ đại học, có nhiều khả năng tham gia hơn và cũng có khả năng khiến độ chính xác của thăm dò bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, một số cuộc khảo sát trực tuyến có xu hướng chỉ thu hút một số nhóm người tham gia nhất định vì chúng có trả phí, học giả Jerome Viala-Guadefroy viết trên chuyên san The Conversation.
Nguồn: https://nld.com.vn/vi-sao-cac-cuoc-tham-do-danh-gia-sai-ong-trump-trong-3-ky-bau-cu-lien-tiep-196241109084738595.htm