Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, với hơn 300 tấn mỗi năm. Từ năm 2023, tổ yến Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và được kỳ vọng sẽ trở thành ngành hàng tỉ USD, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, số liệu từ Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho thấy đến nay, sản lượng tổ yến Việt Nam xuất khẩu sang thị trường tỉ USD này còn rất khiêm tốn.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam xung quanh vấn đề trên.

Việt Nam chỉ mới xuất khẩu gần 5 tấn sản phẩm yến
– Phóng viên: Hoạt động xuất khẩu tổ yến Việt Nam thời gian đã đạt được những kết quả tích cực nào, thưa ông?
+ Ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội yến sào Việt Nam: Từ khi Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc về xuất khẩu tổ yến được ký (ngày 9-11-2022), đến tháng 10-2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức cấp giấy phép cho bốn doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.
Ngay sau đó, vào tháng 11-2023, lô yến đầu tiên chính thức được thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn. Đến đến cuối năm 2024, đã có tổng cộng 12 doanh nghiệp được cấp phép với hạn ngạch 100 tấn trong ba năm.
Thế nhưng, sản lượng thực xuất khẩu chỉ tương đương gần 5 tấn (tổ yến tinh chế), chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn so với sản lượng thu hoạch trên 150 tấn của cả nước.
– Vì sao từ năm 2023 đến nay Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc chỉ 5 tấn tổ yến, một con số quá khiêm tốn?
+ Sản lượng tổ yến Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch mới khởi đầu và chưa tạo được nhu cầu tiêu dùng cũng như mối quan hệ thương mại với các đối tác nhập khẩu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tổ yến Việt còn phải chịu áp lực cạnh tranh về sản lượng, mẫu mã và giá cả với các nước xuất khẩu lâu năm như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
Hơn nữa, doanh nghiệp yến Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn về cơ sở pháp lý của nhà yến, chính sách tài chính khi vay vốn ngân hàng, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, chi phí kiểm dịch với tần suất hai lần/năm… nên chi phí giá thành tổ yến Việt luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 20% trở lên.
Trong khi một số nhà nhập khẩu Trung Quốc đã làm ăn lâu năm với các đối tác Indonesia, Malaysia yêu cầu bán bằng giá hoặc thấp hơn những đối tác này. Doanh nghiệp yến Việt Nam là “người đến sau” nên chúng ta khó khăn hơn.
Chưa kể, khi đàm phán ký kết hợp đồng với đối tác, doanh nghiệp luôn bị ép giá nên không có điều kiện để phát triển nguồn tổ yến nguyên liệu cho việc xuất khẩu. Đây là nguyên nhân khiến sản lượng đạt thấp so với thị trường trong nước.
Mỗi năm, sản lượng tổ yến của Việt Nam đạt khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD, trong đó thị trường nội địa tiêu thụ 50 tấn.
Gỡ vướng về pháp lý
– Ngoài là “người đến sau” tại Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề pháp lý nhà yến là yếu tố cản trở lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp yến Việt Nam. Ông nghĩ gì về đánh giá này?
+ Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, trong đó có quy định về vùng nuôi chim yến, cơ sở nuôi chim yến, hoạt động khai thác, sơ chế, bảo quản…. Tuy nhiên, hiện nay cả nước có 22.000 nhà yến và đa số nhà yến là công trình xây dựng chăn nuôi, chưa có quy định và thủ tục để cấp phép xây dựng.
Vì vậy, hơn 90% nhà yến chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để được cấp phép xây dựng, xác lập nhà yến theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP.
Trong khi xây dựng một nhà yến, doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỉ đồng, nếu được công nhận pháp lý, doanh nghiệp có thể thế chấp ngân hàng vay vốn để tiếp tục đầu tư, gia tăng sức cạnh tranh.
Việc chưa được xác lập nhà yến theo quy định cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung yến phục vụ cho chế biến xuất khẩu bị hạn chế.

– Để khai thác tốt thị trường yến hàng tỉ USD của Trung Quốc, Hiệp hội có giải pháp và kiến nghị nào thưa ông?
+ Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá thương hiệu, tính vượt trội cũng như giá trị yến Việt Nam đến thị trường này thông qua các hội chợ, triển lãm. Từ đó, giá trị, thị phần yến Việt Nam dần được định hình tại Trung Quốc.
So với các ngành khác, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành yến thời gian qua vẫn trong chừng mực nhất định. Tuy nhiên, để ngành yến Việt Nam ngày càng phát triển, bên cạnh gia tăng hoạt động xuất khẩu chính ngạch, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách từng bước hợp thức hóa tài sản nhà yến, các bộ ngành cần thống nhất ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý nhà yến theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP.
Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu tổ yến như nông sản để giảm chi phí cho các doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Đưa yến sào Cần Giờ trở thành thương hiệu đặc sản của TP.HCM
Ông Trần Phương Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Cần Giờ cho biết, hiệp hội chỉ có 10 doanh nghiệp, trong đó có một đơn vị đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bên cạnh đó một số doanh nghiệp cũng đã nộp hồ sơ chờ kết quả. Tính đến nay, tại Cần Giờ chưa xuất khẩu chính ngạch lô tổ yến nào đi Trung Quốc.
Theo ông Tuấn, mặc dù hội viên không nhiều nhưng số lượng nhà yến là hơn 400 căn. Tính pháp lý của nhà yến là khó khăn chung, tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp tại Cần Giờ được cơ quan chức năng từng bước tháo gỡ.
“Tổ yến được xem là đặc sản của Việt Nam nhưng hiện nay quy mô chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường tỉ dân Trung Quốc.
Vì vậy, đối với huyện Cần Giờ, các doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng. Hiệp hội tiến hành định danh từng nhà yến, kiểm soát cách chăm sóc nhà yến, kiểm soát nguồn gốc….
“Chúng tôi đang tiến hành từng bước hướng tới mục tiêu xây dựng yến sào Cần Giờ trở thành thương hiệu đặc sản hàng đầu của TP.HCM, giống như sâm Hàn Quốc là thương hiệu sâm nổi tiếng. Sắp tới, TP.HCM sẽ tổ chức Festival về yến, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức, qua đó đưa thương hiệu yến sào Cần Giờ tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng”, ông Tuấn nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng Việt Nam thuận lợi nuôi chim yến và sản phẩm tổ yến. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm tổ yến Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực, nhờ vậy sản phẩm tổ yến Việt Nam rất được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu tổ yến Việt Nam thì các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục, doanh nghiệp tổ chức thực hiện tốt quy định nêu trong nghị định thư đã ký kết.

Nguồn: https://plo.vn/vi-sao-nganh-yen-sao-viet-van-xa-giac-mo-ti-do-post835262.html