“TP HCM phức tạp ở chỗ đa nguồn lây, đa chuỗi lây nhiễm, đa ổ dịch. Thành phố là nơi giao lưu rất rộng rãi trên cả nước nên nó rất là phức tạp, trên địa bàn đông đúc và chật hẹp như thế áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng rất khó khăn.
Và đặc biệt là mối liên quan giữa TP HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Nội tại thành phố có các khu công nghiệp nên có sự lây đan xen giữa khu công nghiệp với cộng đồng và ngược lại. Sự phức tạp đó gây nên sự khó kiểm soát so với các địa phương khác. Ngoài các bệnh viện thì còn chợ dân sinh rồi các khu công nghiệp và nhiều các địa điểm cộng đồng khác cũng có những ca là đặc thù của đợt dịch này, và số ca mắc rất cao, cùng một lúc xét nghiệm được rất nhiều ca bệnh.
SARS-CoV-2 là biến chủng Delta từ Ấn Độ. Đây là chủng lây lan rất nhanh cộng với điều kiện môi trường dịch bệnh đông người, không gian kín, nhà ở công nhân chật chội tạo điều kiện cho nó lây lan. Phức tạp hơn rất nhiều các tỉnh khác là như vậy.
Vì đã để ổ dịch trong cộng đồng lây lan lâu rồi thì không biết được nguồn lây. Lây lan rộng nên có thể có những ca chạy ra nhiều nhánh, rồi có nhánh phát hiện được những nhánh không và nhiều chuỗi lây khác chứ không riêng gì ổ dịch truyền giáo. Có nhiều ca lẩn khuất trong cộng đồng thì chúng ta không biết nó đi từ đâu. Như đợt vừa rồi thì có ca từ TP HCM đã đi ra tới Hải Phòng, Thái Bình. Chưa kể trong TP HCM những lúc giao lưu giữa phường nọ với phường kia, giữa quận nọ với quận kia và nó lây lan diện rộng. Đây là cái việc vì sao nó nguy hiểm như vậy.
Tôi hy vọng TP HCM rút kinh nghiệm đợt giãn cách trước. Tất nhiên là không thể khống chế được ngay nhưng dần dần sẽ khống chế được. Đợt trước giãn cách theo Chỉ thị 16 vẫn còn tụ tập đông người, người ra người vào, giãn cách chậm, làm như vậy thì không thể không chế dịch”.
(PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết ngày 26-6 về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP HCM).
Nguồn: https://nld.com.vn/trich-dan-nong/vi-sao-o-dich-covid-19-o-tp-hcm-kho-kiem-soat-20210626083810582.htm