
Hôn nhân có khi phải đi trên “cơn sóng” thử thách, đòi hỏi người trong cuộc phải mạnh mẽ hơn Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Chấp nhận ly hôn nhưng điều khiến chị Thảo (33 tuổi, không phải tên thật) đau lòng nhất không phải là sự phản bội của chồng hay sự xuất hiện của “người thứ ba”, mà là hình ảnh đứa con trai 5 tuổi ôm chân ba, khóc tức tưởi vào đêm 28 Tết.
Khi “tình công sở” là người thứ ba
15 năm là khoảng thời gian tính từ khi chị Thảo gặp, yêu và kết hôn với anh Đình đến thời điểm này. Hai vợ chồng cùng tuổi, cùng chia ngọt sẻ bùi từ khi còn là sinh viên đến khi đi làm, kết hôn, rồi sinh con và có chút của cải.
Tưởng chừng cuộc sống đã ổn định, hạnh phúc viên mãn, nhưng cách đây gần một năm, chị Thảo bàng hoàng khi phát hiện người chồng mình hết mực yêu thương đã ngoại tình từ lâu.
Tháng 7 năm ngoái, chị Thảo lạnh toát người khi đọc được những tin nhắn tình tứ, nhớ nhung qua lại của chồng mình và một đồng nghiệp nữ lớn tuổi hơn.
Chị Thảo kể: “Có lẽ họ đã lén lút với nhau một năm hoặc thậm chí nhiều năm rồi. Danh bạ điện thoại của anh lưu tên người phụ nữ đó là Trợ lý CEO, nhiều lần tôi thấy cuộc gọi đến vào đêm muộn và những giao dịch chuyển tiền qua lại giữa hai người thì anh nói đó là tiền quỹ của công ty.
Rồi những lần đi Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang dài ngày, anh nói là đi du lịch chung với công ty, nhưng sự thật là đi du lịch riêng cùng nhau, còn chụp ảnh tình tứ để lưu giữ kỷ niệm trên… mạng xã hội”.
Chị Thảo công khai việc anh Đình thay lòng, nhưng thời điểm này anh cầu xin được tha thứ, thề thốt sẽ chấm dứt mối quan hệ ngoài luồng này.
Ly hôn để bảo vệ tuổi thơ cho con
Sau những trận “sóng dữ” ập đến với gia đình, chị Thảo thương mình, thương con rồi lại tha thứ cho chồng. Tuy nhiên anh Đình vẫn chứng nào tật ấy, đi sớm về khuya, có những hôm 2h – 3h sáng anh mới về nhà trong trạng thái say xỉn.
“Hóa ra họ vẫn ở bên nhau, chưa từng chấm dứt. Mối quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng, ngoài vòng pháp luật này được gia đình chồng chị lẫn gia đình của người phụ nữ ấy “bảo kê”.
Họ đều biết cả, chỉ có chị Thảo bị chặn trên mọi phương diện mạng xã hội và các kênh giao tiếp chung giữa họ. Quá đáng hơn, anh dạy con trai mình gọi “người thứ ba” là… mommy”, chị Thảo rấm rứt, trải lòng.
Bằng việc nói dối chị Thảo là đưa con trai lên công ty chơi vào những ngày cuối tuần, anh ngang nhiên đưa con đến nhà riêng của nhân tình để “một công đôi việc”.
Khi cậu bé 5 tuổi kể lại với mẹ những lần tới thăm “đồng nghiệp” của ba, bằng linh cảm của một người mẹ, chị cay đắng ngộ ra nhiều điều.
“Có lẽ rất kinh khủng, tôi sợ tâm hồn của con bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh và việc làm thiếu chuẩn mực đạo đức mà con buộc phải chứng kiến nên tôi đã quyết định ly hôn, để giữ lại tuổi thơ đẹp cho con mình, dù đó có là một tuổi thơ… không có ba”, chị Thảo nói.
Còn chồng chị, trước sự ngỡ ngàng của bạn bè thân thiết, anh lặng lẽ khóa tài khoản Facebook cũ, nơi đã lưu giữ rất nhiều hình ảnh và kỷ niệm đẹp của anh và chị Thảo từ thời niên thiếu.
Anh tạo một tài khoản Facebook khác, chọn một tấm ảnh tươi mới cho mình làm hình đại diện, còn ảnh bìa anh chọn ảnh hai con gái riêng của người phụ nữ anh đã bất chấp gia đình để yêu say đắm, điên cuồng đến nỗi bỏ rơi cả con trai.
Có chia tay, cũng đừng “cạn tàu ráo máng”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho biết bản chất của “ngoại tình công sở” là do những giềng mối của gia đình lỏng lẻo, không bền chặt khiến người vợ, người chồng chưa hài lòng, mãn nguyện với cuộc sống hôn nhân đang có.
Vì vậy khi được tiếp xúc với môi trường có nhiều cơ hội để gặp gỡ, chia sẻ cảm xúc, thì những tình cảm ngoài luồng nhanh chóng hoặc ngấm ngầm phát sinh.
Tuy nhiên khi một gia đình tan vỡ, tiếng khóc lớn nhất sẽ phát ra từ những trái tim nhỏ bé nhất. Là những đứa trẻ.
“Những đứa trẻ của một cuộc ly hôn bị chấn thương tâm lý là điều không tránh khỏi. Rất ít các em sẽ hiểu đây là chuyện của người lớn và biết cách chấp nhận. Thực tế nhiều trường hợp trị liệu tâm lý, các em tự trách bản thân, nghĩ mình không đủ tốt, ba mẹ ly hôn là tại mình.
Lớn lên trong tình trạng cảm xúc đó, các em sẽ có hai hướng để đối mặt. Một là buông xuôi, không học hành, không phát triển bản thân nữa. Hai là sẽ rất nỗ lực, rất cố gắng để vươn lên, để thành công.
Phần lớn trẻ em của một gia đình ly hôn đều có sự mặc cảm với bạn bè, xem đó như một khiếm khuyết của gia đình, nỗi đau của bản thân”, bà Tâm nói.
Vì thế bà Tâm khuyên những cặp vợ chồng dù có đi đến bước đường ly hôn vẫn nên nghĩ cho tâm hồn và tuổi thơ của con trẻ, dù người lớn có chia lìa, cũng nên bằng những cách văn minh, lịch sự với nhau, đừng “cạn tàu ráo máng”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vi-sao-song-du-co-the-ap-vao-hon-nhan-20250223105037606.htm