Sáng 8.11, tại thành phố Trùng Khánh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc nhân chuyến công tác tại Trung Quốc.
Phát biểu chào mừng, Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Hồ Hoành Hoa cho biết, Trùng Khánh và Việt Nam có quan hệ lịch sử lâu đời và giao lưu mật thiết. Ông cho hay, thời gian gần đây, hàng lang thương mại đường bộ và đường biển mới đã giúp tăng cường hợp tác giữa hai bên.
Một số doanh nghiệp của Trùng Khánh đã triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Các sản phẩm ô tô, xe máy, điện tử của Trùng Khánh đã có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã thành lập văn phòng xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh và nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được người tiêu dùng Trùng Khánh ưa chuộng.
“Trong 5 năm liên tiếp Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong khu vực ASEAN”, ông Hồ Hoành Hoa cho biết, và khẳng định hợp tác giữa hai bên có xu hướng phát triển tốt, tiềm năng hợp tác rất rộng mở.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, cùng tạo ra tương lai hợp tác sáng sủa giữa Trùng Khánh và Việt Nam”, Thị trưởng thành phố Trùng Khánh nhấn mạnh.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Chu Hồng Phi, thành viên hội đồng quản trị của Tập đoàn Chuỗi cung ứng Hawei Trùng Khánh cho hay, hiện giao thông giữa Việt Nam – Trung Quốc thuận lợi nhưng quy trình thông quan cần được cải thiện theo hướng đơn giản hóa.
Trong khi đó, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu nhiều điểm nghẽn về hạ tầng kết nối và thiếu kho bãi trong việc vận chuyển các mặt hàng nông, thủy sản từ Việt Nam tới Trùng Khánh. Trong khi đó, việc kiểm dịch giữa 2 nước thiếu đồng bộ, thiếu liên tục nên sản lượng, doanh thu còn thấp, thời gian dài, chi phí cao so với năng lực và kỳ vọng.
Từ đó, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị hai bên xem xét công nhận kết quả kiểm dịch do bên kia thực hiện giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí; nghiên cứu cho áp dụng mô hình cửa khẩu thông minh tại các cửa khẩu đường sắt.
Ông Mạnh cũng đề nghị đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường sắt mới kết nối 2 nước, đặc biệt là đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng để có thể khởi công xây dựng vào cuối năm 2025.
Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho biết nông sản Việt Nam đã vào thị trường Trung Quốc nhưng tỷ lệ hao hụt lên tới 30 – 35% do điều kiện vận chuyển, bảo quản hạn chế; chi phí logistics chiếm 20 – 25% – cao hơn so với khu vực ASEAN.
Ông Sơn đề xuất phía Trung Quốc mở rộng cửa khẩu nhập khẩu hàng nông sản bằng cả đường bộ và đường biển, giúp hàng hóa nâng cao năng lực cạnh tranh, rút ngắn thời gian tại cửa khẩu cũng như quy trình liên quan hải quan, kiểm dịch. Việc giảm bớt thời gian vận chuyển hàng hóa, theo ông Sơn, sẽ giúp kéo giảm chi phí logistics.
Rất cần đầu tư hợp tác nhiều hơn nữa
Phát biểu tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam – Trung Quốc có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” với nền tảng chính trị vững chắc, nền tảng văn hóa tương đồng, nền tảng pháp lý thuận lợi và thị trường rộng mở.
Thủ tướng cho biết, những năm vừa qua, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 5.000 dự án với số vốn hơn 30 tỉ USD. Thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2023 là 173 tỉ, còn trong 9 tháng đầu năm 2024 là 190 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, với mối quan hệ thì hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn chưa tương xứng. “Tiềm năng còn rất lớn, cơ hội còn rất nhiều. Rất cần đầu tư hợp tác nhiều hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chia sẻ tới các doanh nghiệp, Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại, kinh tế độc lập tự chủ, trong đó xác định kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, tích cực hội nhập hợp tác quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, hiện Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược, gồm thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, nhằm phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đột phá về thể chế, theo Thủ tướng, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thật tốt, giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, tăng thêm tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Còn đột phá về hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, Thủ tướng cho rằng, cũng sẽ tạo không gian phát triển mới, giá trị mới, đặc biệt thuận lợi về đi lại, logistics, giúp giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh.
Về nguồn nhân lực, Thủ tướng cho biết, khi các nhà đầu tư vào rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao bởi nhân lực chất lượng cao tăng năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm,”3 thông”: thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Đồng thời thực hiện “4 cùng”: cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào. Tinh thần là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
“Tôi rất mong doanh nghiệp hai nước đóng vai trò kết nối hai nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh, cho biết, việc doanh nghiệp hai nước đầu tư kinh doanh với nhau sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. “Chúng ta cùng nhau phát triển đất nước hùng cường, lớn mạnh”, Thủ tướng nói.
Về các đề xuất về việc đơn giản hóa thủ tục thông quan, Thủ tướng cho biết, hiện Việt Nam – Trung Quốc đang triển khai cửa khẩu thông minh để giải quyết vấn đề này. Với các đề xuất về tăng cường cơ sở hạ tầng, các chính sách liên quan tài chính, lãi xuất, thuế, lệ phí, hợp tác kỹ thuật, công nghệ và phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, Thủ tướng bày tỏ tán thành và khẳng định Việt Nam đã, đang làm và sẽ làm tốt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thu-tuong-viet-nam-3-thong-4-cung-de-phuc-vu-doanh-nghiep-185241108111403194.htm