5 quan điểm chỉ đạo trọng tâm
Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 1705 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trên cơ sở Nghị quyết 29 và Kết luận 91 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo, chiến lược phát triển giáo dục được xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo trọng tâm sau:
Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò động lực then chốt để phát triển đất nước. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, cần được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực khác, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia, đóng góp cho phát triển giáo dục.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, đặc biệt là năng lực đổi mới và sáng tạo của người học. Thực hiện tốt nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.
Giáo dục và đào tạo là vì con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập và học thường xuyên, học suốt đời. Phát triển giáo dục bảo đảm cân đối về số lượng, chất lượng; hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề.
Chủ động hội nhập quốc tế và tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để hiện đại hóa giáo dục.
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á
Mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Đến năm 2045, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Cụ thể, với giáo dục mầm non, phấn đấu có 99,5% trẻ em mầm non đến trường được học 2 buổi/ngày. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục được nâng cao, đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị vào học lớp 1.
Phấn đấu tỷ lệ trường mầm non dân lập, tư thục đạt 30%, số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt 35%.
Với giáo dục phổ thông, phấn đấu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; số cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5% và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5,5%.
Với giáo dục đại học, phấn đấu số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18-22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam đạt 1,5%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.
Bên cạnh đó, tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%. Có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á.
Nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Học tập suốt đời
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm liên quan tới hoàn thiện thể chế để thực hiện chiến lược giáo dục là xây dựng Luật Nhà giáo; nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Học tập suốt đời; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Chiến lược phát triển giáo dục cũng đòi hỏi phải ban hành chương trình giáo dục mầm non mới; nâng cao chất lượng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện các quy định về tự chủ đại học; nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy; hoàn thiện cơ chế, chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Đồng thời, thực hiện công bằng và bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục, có chính sách hỗ trợ trẻ dưới 36 tháng tuổi được vào học ở nhà trẻ, nhất là vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật là các nhiệm vụ được nhấn mạnh.
Song song với đó, cần phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Các cơ chế, chính sách tuyển dụng, quản lý sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài cần hoàn thiện để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, yên tâm công tác và cống hiến.
Xem toàn văn tại đây.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/viet-nam-dat-muc-tieu-top-10-quoc-gia-ve-giao-duc-dai-hoc-tot-nhat-chau-a-20250102173255311.htm