Giao thông là mạch máu của sự phát triển, và hệ thống biển báo giao thông được cho là một trong những ngôn ngữ quan trọng nhất điều tiết dòng chảy đó. Tuy nhiên, thay vì vai trò chỉ dẫn, định hướng, nhiều biển báo giao thông hiện nay lại đang trở thành nỗi “ám ảnh”, thậm chí là “đánh đố” với chủ phương tiện.
Bản thân tôi vì nhu cầu công việc nên thường xuyên phải di chuyển trên nhiều tuyến đường khác nhau, không ít lần giật mình khi đi qua khu vực cắm biển báo tốc độ 60 km/h, rồi tăng lên 90km/h nhưng ngay sau đó, chỉ cách một quãng đường ngắn khi tôi vừa đạp ga lên thì lại xuất hiện biển hạn chế xuống 40 km/h mà không có cảnh báo từ xa.
Một số khu vực công trường đang thi công cắm biển tạm nhỏ xíu với tốc độ “giật cục” từ 90 km/h giảm xuống đến 40km/h hay 50 km/h khiến tài xế phải phanh gấp, gây nguy hiểm cho chính họ lẫn các phương tiện đi phía sau.

Biển giới hạn tốc độ 50km/h trong 4 khung giờ trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Trung Thi).
Một vấn đề khác thường gặp là biển báo có thêm chỉ dẫn phụ với nội dung quá nhiều và chữ quá nhỏ. Có những biển báo đặt kèm theo nhiều chỉ dẫn phụ như thời gian áp dụng, loại phương tiện bị giới hạn hay điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến hiệu lực của biển báo. Những thông tin này có thể quan trọng, nhưng khi tài xế di chuyển với tốc độ cao, hoặc bị các phương tiện khác qua lại hạn chế tầm nhìn, họ khó có thể đọc hết nội dung mà vẫn giữ được sự tập trung trên đường.
Chưa dừng lại ở đó, biển báo bị che khuất hoặc đặt ở vị trí khó nhìn thấy cũng là một vấn đề nhức nhối. Nhiều khi, tài xế chỉ kịp nhận ra biển báo lúc xe đi ngang hoặc sắp đi qua nó, và lúc ấy muốn tuân thủ đúng biển báo thì đã muộn.
Một thực trạng phổ biến mà nhiều tài xế gặp phải chính là biển báo hạn chế tốc độ không hợp lý. Trên những tuyến quốc lộ rộng rãi, nơi điều kiện hạ tầng tốt, lẽ ra phương tiện có thể di chuyển với tốc độ cao hơn, nhưng lại xuất hiện những biển báo hạn chế tốc độ xuống mức quá thấp như 40 – 50 km/h. Điều này không chỉ gây ức chế cho tài xế mà còn làm chậm dòng chảy giao thông, ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội.
Một ví dụ khác là biển báo khu dân cư mâu thuẫn với biển báo tốc độ. Có những tuyến đường đặt biển báo vào khu dân cư, nhưng ngay sau đó lại xuất hiện biển báo tốc độ tối đa cao hơn mức cho phép trong khu dân cư, rồi liền sau đó lại đặt biển báo hết hiệu lực. Điều này khiến tài xế bối rối, không biết phải tuân theo biển nào, hoặc vô tình mất tập trung thiếu quan sát có thể bị xử phạt oan vì sự không nhất quán này.
Trong nhiều trường hợp, tài xế không cố tình vi phạm quy định giao thông mà do yếu tố khách quan từ biển báo, nhưng cuối cùng thì người điều khiển phương tiện vẫn phải chịu trách nhiệm.
Hiện nay hệ thống camera phạt nguội được lắp đặt rộng khắp, ghi nhận mọi vi phạm mà không cần có mặt của lực lượng cảnh sát giao thông. Điều này càng làm dấy lên lo ngại trong bối cảnh nhiều biển báo bất hợp lý chưa được điều chỉnh, khiến tài xế bị phạt mà không có cơ hội giải thích.
Từ thực tế trên, bản thân tôi và có lẽ là đông đảo tài xế khác cảm thấy như được nói hộ lòng mình, khi báo Dân trí đăng tải tuyến bài về “ma trận” biển báo giao thông.
Theo quy định, cơ quan chức năng khi lắp đặt các biển báo đều phải nghiên cứu và lựa chọn phương án tối ưu nhất, khoa học nhất. Khi ấy biển báo đóng vai trò như người dẫn đường, giúp tài xế biết họ cần phải làm gì và nên đi như thế nào để đảm bảo an toàn. Nhưng khi những biển báo ấy bị đặt ở vị trí khó quan sát, mâu thuẫn với thực tế hoặc thay đổi đột ngột mà không có dấu hiệu cảnh báo trước, thì nó không còn giúp ích nữa mà chỉ khiến người đi đường thêm hoang mang.
Đối với những biển báo giao thông bất hợp lý mà báo Dân trí phản ánh, vị đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm. Trước hết xin hoan nghênh việc tiếp thu của cơ quan quản lý, tuy nhiên tôi cho rằng những gì báo chí phản ánh chỉ là một phần thực tế. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là triển khai các giải pháp đồng bộ và cụ thể trên diện rộng để đánh giá lại toàn bộ biển báo giao thông trên cả nước nhằm loại bỏ các biển báo không phù hợp tiêu chuẩn, không hợp lý, gây hiểu lầm hoặc chồng chéo thông tin.
Các đơn vị chức năng liên quan dứt khoát không được đặt biển báo tại các vị trí dễ bị che khuất bởi cây cối, cột điện, biển quảng cáo hoặc phương tiện có kích thước lớn; cần quy định khoảng cách các biển báo thay đổi tốc độ, và hạn chế thay đổi tốc độ liên tục trong quãng đường ngắn, tạo điều kiện cho tài xế có đủ thời gian điều chỉnh tốc độ an toàn.
Ngành Giao thông nên nghiên cứu sử dụng biển báo điện tử có thể thay đổi giới hạn tốc độ linh hoạt theo tình hình giao thông và thời tiết ở những vị trí cần thiết; cập nhật thông tin về biển báo mới cho tài xế thông qua các kênh truyền thông, ứng dụng hỗ trợ giao thông, giúp người dân nắm rõ và tuân thủ đúng quy định.
Hàng triệu chủ phương tiện tham gia giao thông trên các con đường mỗi ngày chắc hẳn đều mong muốn có một hành trình an toàn, thuận lợi. Thế nhưng, nếu biển báo – công cụ giúp hướng dẫn và bảo vệ họ – lại trở thành những rào cản khiến họ e ngại khi tham gia giao thông thì chúng ta cần phải nhìn nhận lại hệ thống quản lý, không để những tấm biển vô lý trở thành cái bẫy khiến người đi đường rơi vào tình huống khó khăn.
Các cơ quan chức năng cần nhận thức rõ vấn đề này và có những hành động quyết liệt để “giải mã ma trận” biển báo, trả lại đúng vai trò chỉ dẫn, định hướng và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, góp phần xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, văn minh và hiện đại.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/vo-dau-but-tai-voi-bien-bao-giao-thong-20250219000254472.htm