Hà NộiBác ý kiến luật sư cho rằng sai phạm tại dự án Đại Ninh không có hậu quả, VKS nói ngoài thiệt hại về tiền, vụ án có hậu quả “cực đau xót” khi loạt cán bộ cấp cao vướng lao lý.
Tối 17/1, VSKND Hà Nội đối đáp hai lượt với các quan điểm bào chữa của luật sư trong vụ án liên quan cựu bộ trưởng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
>>Mức án VKS đề nghị với 10 bị cáo
VKS đánh giá đây là vụ án điển hình sai phạm trong hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, có sự cấu kết giữa các cá nhân trong và ngoài cơ quan quản lý Nhà nước.
Cơ quan công tố khẳng định trước khi đưa ra quan điểm luận tội và mức án đề nghị đã xem xét tổng thể vụ án, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, động cơ, bối cảnh phạm tội và đưa ra mức án “giảm đặc biệt” dưới khung hình phạt.
VKS dẫn chứng khung hình phạt với tội Nhận hối lộ tới 20 năm, chung thân, tử hình, song thực tế VKS chỉ đề nghị mức 2-8 năm tù cho 6 bị cáo.
Tội Đưa hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng có khung án rất cao (15-20 năm) nhưng các bị cáo bị truy tố tội này cũng chỉ bị VKS đề nghị án bằng thời gian tạm giam và đến 3 năm tù. Ông Mai Tiến Dũng cũng được đề nghị chỉ 24-30 tháng tù án treo.
Với phân tích trên, VKS khẳng định “đã rất nghiêm túc đánh giá” để đưa ra mức án “hết sức nhân văn và phù hợp”.
VKS: Nguyễn Cao Trí làm dự án không phải vì đam mê
Hậu quả vụ án cũng là vấn đề được nhiều luật sư đưa ra tranh luận, cho rằng thực tế không có thiệt hại, vì đến cuối cùng, quyền sử dụng đất dự án vẫn chưa trao cho ai, tỉnh Lâm Đồng vẫn đang quản lý sử dụng.
VKS đánh giá, hành vi trái pháp luật của các bị cáo dẫn đến đại gia Nguyễn Cao Trí được gia hạn thực hiện dự án mà đáng lẽ đã bị thu hồi, trả Nhà nước. Ông Trí sau đó sử dụng pháp nhân công ty để bán cho công ty của Novaland và thu lợi trái luật hơn 27.000 tỷ đồng.
“Từ hành vi của Trí, đã tha hóa chính bị cáo; tha hóa nhiều bị cáo giữ chức vụ trong cơ quan quản lý Nhà nước, từ Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng… Rõ ràng hậu quả về công tác cán bộ là cực kỳ đau xót”, đại diện VKSND Hà Nội nêu quan điểm.
Theo VKS, hành vi của người này là tiền đề để người khác phạm tội nên toàn bộ bị cáo phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.
Hậu quả của vụ án được VKS xác định là “toàn bộ dự án của Nhà nước bị giao không đúng quy định cho doanh nghiệp của bị cáo Trí, sau đó lại được bán với số tiền 27.600 tỷ. Đó là chưa bao gồm hết các thiệt hại vật chất và phi vật chất với dự án – những thiệt hại không thể định giá được. Vì thế, VKS không xác định thiệt hại chỉ là 27.600 tỷ đồng.
Kiểm sát viên dẫn chứng, ông Trí cũng khai mới được Novaland thanh toán 2.700 tỷ đồng (gần 10% giá trị hợp đồng), song tiền này không bao gồm toàn bộ dự án. “Bị cáo khai còn giữ lại cho mình rất nhiều đất để phát triển các dự án y tế, giáo dục… Đấy là bị cáo nói thế còn có phát triển được không thì chưa có căn cứ nào khẳng định được”, VKS đối đáp.
Trong phần bào chữa, luật sư nêu nhiều về hoàn cảnh phạm tội, nói ông Trí tâm huyết, đam mê với dự án do có ý nghĩa lớn với quê hương. Song quan điểm này bị VKS phản đối khá gay gắt: “Riêng với bị cáo Trí, VKS khẳng định làm dự án không phải vì đam mê”. Bị cáo biết rõ dự án bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi, nhưng vẫn bàn bạc trao đổi thảo thuận đề nghị cựu phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh (đã chết), đề nghị giúp đỡ để thay đổi nội dung kiến nghị trong kết luận thanh tra. Khi được ông Minh đồng ý, bị cáo mới quay lại đàm phán mua lại dự án từ chủ đầu tư cũ.
“Nhưng đàm phán chưa xong, chưa đủ cơ sở bán dự án, bị cáo đã bán. Bị cáo làm gì có quyền sở hữu hay chuyển nhượng dự án mà bán, vậy dựa vào đâu để nói làm dự án vì mục đích tốt đẹp, đam mê, đem lại lợi ích cho quê hương?”, VKS nêu quan điểm.
VKS khẳng định không quan tâm đến năng lực công ty của ông Trí mà chỉ đánh giá hành vi của bị cáo với dự án là trái luật. Ông Trí bán dự án được 2.700 tỷ đồng, trong khi dự án đáng phải thu hồi. Đó là căn cứ xác định số tiền này là thu lợi bất chính, VKS kiến nghị thu hồi, dù ông Trí trước đó khăng khăng xin giữ lại vì đây là giao dịch ngay tình giữa hai công ty, ông “không được hưởng một đồng”.
Trước việc nhiều luật sư cũng so sánh vụ án này với các sai phạm khác, hoặc so sánh mức án đề nghị giữa các bị cáo trong cùng vụ án này. VKS cho rằng mỗi vụ án có bối cảnh, thiệt hại, tính chất khác nhau, “chẳng có lý do gì để so sánh như thế”.
“Nếu ý kiến của các luật sư đem lại lợi ích cho cả hai người bị so sánh thì không vấn đề gì. Nhưng nếu ý kiến vô hình làm xấu đi tình trạng của bị cáo khác, không phải thân chủ của mình thì các vị phải xem xét lại quy tắc hành nghề luật sư”, đại diện VKS nói.
Kết thúc hai lượt đối đáp, HĐXX dành thời gian cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghỉ nghị án.
Cựu Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận và cựu Chủ tịch tỉnh Trần Văn Hiệp đều dành lời đầu tiên để xin lỗi Đảng, xin lỗi dân, vì sai phạm làm xấu uy tín của tổ chức, địa phương; phụ kỳ vọng bà con quê nhà, những người yêu thương, tin tưởng, gửi gắm kỳ vọng. Hai ông xin giảm án cho nhau.
Ông Hiệp phân trần cả hai đều không biết Nguyễn Cao Trí bán dự án cho công ty khác. “Trong một cuộc họp, bị cáo còn hỏi ‘chuyển cổ phần công ty hay nhượng dự án’ song Trí vẫn bảo là chuyển cổ phần”, ông nói.
Bị cáo Hiệp khóc khi nhắc đến gia đình. “Nếu giờ bị cáo bị đi tù vì tham nhũng sẽ là nỗi nhục lớn với gia đình”, ông nghẹn giọng, lau nước mắt.
Ông khẳng định không bao giờ đổ lỗi cho cấp dưới, xin nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Dù cáo trạng nêu có những việc làm do bị ông Quận tác động song ông Hiệp nói “là cấp dưới 37 năm, chưa bao giờ bàn bạc việc gì trái đạo đức và pháp luật”.
Trước khi ra tòa ông “rất sợ”, nhưng sau hai ngày xét xử muốn cảm ơn HĐXX đã tổ chức phiên tòa “rất nhân văn”, giúp bị cáo vượt qua sợ hãi, hiện sẵn sàng chấp hành mọi phán quyết.
“Ra tòa để than thở hoàn cảnh, bị cáo rất xấu hổ, phải mang mẹ già 90 tuổi ra xin, mang bố từng đi tù cách mạng ra xin, rất nhục và xin tòa thông cảm. Bị cáo không còn cơ hội làm lại cuộc đời, chỉ mong cải tạo tốt để về làm công dân có ích”, ông Hiệp lần thứ hai nghẹn ngào, xin ngừng lời.
Đại gia Nguyễn Cao Trí được HĐXX bố trí ghế mềm và cho phép ngồi nói suốt 2 ngày qua, vì đang có chấn thương. Song khi nói lời sau cùng, ông Trí quyết định đứng dậy trải lòng lần cuối trong phiên tòa.
“Tôi đứng đây với nỗi lòng nặng trĩu, ý thức rằng đây là khoảnh khắc khó khăn nhất cuộc đời phải trải qua”, ông mở lời bằng việc cảm ơn vợ và các cộng sự trong hai năm qua đã thay mình gánh vác doanh nghiệp. Ông tự hào với tư cách doanh nhân suốt 30 năm qua đã gây dựng thương hiệu trong, ngoài nước, tạo hàng nghìn việc làm.
Nghĩ về 700 ngày đã bị tạm giam, ông Trí nói “vô cùng đau đớn”, đã thấm thía, ân hận, xin giảm án cho cả 9 người còn lại, mong muốn thi hành án càng sớm càng tốt để sớm trở về.
“Nhiều khi vì mục đích tốt đẹp nhưng hoàn cảnh và bản thân có sai lầm, nên phải trả giá. Đó chính là những éo le trong cuộc đời. Nhưng tôi động viên chính mình và các can phạm rằng cuộc đời luôn có những lúc như thế”, ông Trí nói lời sau cùng.
Chủ tọa Trần Nam Hà thông báo sẽ tuyên án 15h ngày 20/1.
Phạm Dự – Thanh Lam
Nguồn: https://vnexpress.net/vks-vu-an-ong-mai-tien-dung-co-hau-qua-cuc-ky-dau-xot-ve-cong-tac-can-bo-4840367.html