Cảm giác giật mình, lo sợ, bất an ập tới khi thông tin nhóm “quái xế” trẻ ở Hà Nội đã tông chết một cô gái.
Ngày 4-11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tạm giữ 10 thanh thiếu niên 16 – 19 tuổi. Đây là các trường hợp được xác định liên quan vụ “quái xế” tông chết cô gái tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu lúc rạng sáng 3-11.
Ám ảnh đoàn xe phóng nhanh, lạng lách
Cảnh sát xác định 0h15 ngày 3-11, chị N.H.Q. (27 tuổi) chạy xe máy dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu. Lúc này một đoàn gồm 25 – 30 xe đi hướng Trần Hưng Đạo – ga Hà Nội với tốc độ cao lao tới.
Trong đó, N.H.N. (sinh năm 2005) lái xe Vision màu xám chở theo N.P.A. (sinh năm 2005) đi với tốc độ nhanh, không chú ý quan sát nên đã tông phải chị N.H.Q., làm chị Q. ngã ra đường.
Sau đó N.T.M.K. lái xe chở theo L.Đ.C. (sinh năm 2008) chạy theo đoàn, đã đâm vào chị Q.. Cú tông khiến chị Q. thiệt mạng tại chỗ. Sau tai nạn, nhóm thanh niên bỏ trốn khỏi hiện trường. Còn N.T.M.K. mang chiếc xe về nhà ở huyện Thanh Trì để cất giấu.
Chứng kiến sự việc, chị Yến Linh (sống tại quận Tây Hồ) nói vẫn còn ám ảnh nhớ lại cảnh đoàn xe phóng nhanh, nẹt pô, lạng lách đánh võng giữa phố. Từ khoảng cách khá xa có thể nghe rõ tiếng pô nổ chói tai của đoàn xe này.
Sau va chạm, nhóm “quái xế” đỡ nhau lên xe bỏ chạy khỏi hiện trường. Chị Linh và nhiều người dân tiến đến phát hiện nạn nhân chảy nhiều máu nên gọi cấp cứu và cảnh sát.
Đến 1h ngày 3-11, chị Linh mới rời hiện trường. Phía sau cô, mẹ của nạn nhân khóc ngất bên thi thể con gái. “Đêm đó, tôi mất ngủ, cứ nhắm mắt là cảnh tượng đau lòng lại hiện ra” – nhân chứng nói và bày tỏ bức xúc về hành vi của nhóm thanh thiếu niên trong đoàn đua xe lạng lách.
Chế tài đủ mạnh để tăng tính răn đe
Đánh giá việc thanh thiếu niên tụ tập chạy xe lạng lách, đánh võng là hành vi đặc biệt nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm tình hình an ninh trật tự an toàn giao thông, luật sư Phạm Thành Tài (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng cần có hành lang pháp lý chặt chẽ và chế tài đủ mạnh để tăng tính răn đe. Trong đó, việc tịch thu xe được kỳ vọng là giải pháp trọng tâm.
Tuy vậy ông Tài cũng nêu thực trạng đa số thanh thiếu niên lại sử dụng xe đứng tên người khác. Theo luật hiện hành, phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu, chỉ tịch thu nếu xe đó của chính người vi phạm. Bởi vậy dù có quy định tịch thu phương tiện, song để thực hiện được việc này không dễ.
“Cần sửa quy định này theo hướng cứ tụ tập chạy xe lạng lách là tịch thu xe, không cần biết chủ nhân là ai. Khi biết rằng nếu vi phạm sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất phương tiện, các “quái xế” sẽ có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng xe, kể cả xe đi mượn”, luật sư Tài đề xuất.
Trong khi đó, nói với Tuổi Trẻ, đại tá Phạm Quang Huy, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho hay cách đây một tháng đơn vị đã ban hành kế hoạch cao điểm lập lại trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh. Đồng thời tăng cường xử lý các trường hợp tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên qua thời gian triển khai cao điểm, các tổ công tác tại địa phương nhận định một bộ phận phụ huynh còn chưa chú ý đến quản lý giáo dục con em, vẫn giao xe cho con dù biết con chưa đủ điều kiện cầm lái.
Trong khi đó, các thông tin tiêu cực trên không gian mạng có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và ý thức của lứa tuổi này, khiến một số em đua đòi học theo hành vi xấu.
Cô gái trong đoàn xe: “Tôi hối hận và sốc”
Tại trụ sở công an, N.H.N. (sinh năm 2005) khai nhận sự việc. Cô cho biết khoảng 22h ngày 2-11 có qua đón bạn với dự định đi “lượn” và chụp ảnh. Khi tới Nhà hát lớn Hà Nội, gặp đoàn khoảng 20 – 30 xe, N. nói với bạn “đi lên để xem có ai quen không”.
Lúc này họ không đội mũ bảo hiểm. Sau khi nhập vào đoàn đua, hai nữ sinh này tăng ga với tốc độ nhanh cùng đoàn xe đi theo hướng Trần Khánh Dư – Bệnh viện 108 – Trần Hưng Đạo. Khi tới nút giao Bà Triệu, xe này xảy ra va chạm với chị N.H.Q. đang chờ đèn đỏ. Cú tông mạnh khiến hai xe cùng văng ra đường.
“Tôi không nhớ gì, khi mở mắt ra đã thấy mình trong bệnh viện. Nghe bạn nói tôi mới biết mình đã gây tai nạn chết người”, N.H.N. nói và cho hay cô cảm thấy “hối hận và sốc”.
Sẽ xử lý hình sự nếu giao xe cho người không đủ điều kiện
Thời gian tới, đại tá Phạm Quang Huy cho hay đối với các học sinh vi phạm, cảnh sát sẽ tiếp tục tăng cường xử lý, đồng thời có thông báo gửi đến nhà trường, từ đó có hình thức xử lý phù hợp.
Bên cạnh xử lý trực tiếp người lái xe, cơ quan chức năng sẽ gắn trách nhiệm và xử lý những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện, bởi như vậy là gián tiếp gây nguy hiểm cho xã hội và cần phải có chế tài nghiêm khắc hơn.
Trong quá trình tham mưu, soạn thảo nghị định mới về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông cho biết sẽ tham mưu theo hướng tăng chế tài xử lý đối với những hành vi cố tình vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông; giao xe cho người không đủ điều kiện; tịch thu xe nếu tái phạm hành vi lạng lách, đánh võng… Đặc biệt cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý hình sự đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện, để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả, theo quy định của pháp luật.
Tình trạng học sinh phóng nhanh, vượt ẩu… vẫn phổ biến
Theo đại diện Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM, hiện nay tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe máy đến trường, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định, đi hàng ngang trên đường bộ… vẫn diễn ra phổ biến.
Hậu quả từ hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nói trên là những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra, khiến cho các em học sinh phải mang di chứng, thương tật suốt đời, thậm chí cướp đi sinh mạng quý báu của các em, để lại nỗi đau đớn ám ảnh không nguôi đối với nhiều người, nhiều gia đình.
Không chỉ có gia đình, người thân của các em mới chịu mất mát, thiệt thòi mà cả xã hội cũng đau cùng với nỗi đau chung đó.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho học sinh thì trước hết các bậc phụ huynh cần phải là tấm gương tốt về chấp hành quy định về an toàn giao thông cho con em mình noi theo, cần dành thời gian quan tâm dạy dỗ, chỉ ra cho các em thấy hậu quả từ việc không chấp hành Luật Giao thông.
Các bậc phụ huynh cũng cần cương quyết trong việc không giao xe hoặc để cho con em mình điều khiển xe khi chưa đủ độ tuổi cũng như chưa có giấy phép lái xe theo quy định.
Chị T. (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM), một phụ huynh có con đang là lứa tuổi học sinh, cho biết hiện nay chị ra đường vẫn thường xuyên bắt gặp hình ảnh các em học sinh chạy xe phân khối không phù hợp lứa tuổi, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang…
“Có lần tôi đang chở con đi học trên đường, một tốp học sinh chạy xe máy không phù hợp với lứa tuổi học sinh dàn hàng ba chạy qua, những cháu này mải mê trò chuyện mà xém chút nữa quẹt tay lái xe tôi”, chị T. chia sẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vu-quai-xe-tong-chet-co-gai-nhieu-phu-huynh-giat-minh-20241104232924826.htm