Thứ hai, Tháng Một 27, 2025
HomeGiải TríVua chúa Việt thưởng Tết thế nào?

Vua chúa Việt thưởng Tết thế nào?

Trong “Tết chốn vàng son”, tác giả Lê Tiên Long nhắc chuyện vua chúa Việt ban “tiền thưởng xuân” kèm bổng lộc cho quần thần.

Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng của các nước Á Đông từ thời xa xưa đến nay. Tết là thời gian nghỉ ngơi, là lúc mọi người quây quần gia đình, hướng về tổ tiên. Trong cung đình cũng vậy, triều đình Việt Nam thời phong kiến nghỉ Tết khá sớm, trở lại làm việc muộn, với nhiều nghi lễ phức tạp. Các bậc vua chúa chú trọng chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của quan, dân. Nhờ khoảng nghỉ dài, các quan và người hầu cận vua có thể chăm lo cho cái Tết của gia đình.

Từ ý tưởng nhiều độc giả ngày nay có thể muốn biết thêm về phong tục, tập quán: Vua nước Việt ăn Tết như thế nào? Triều đình có những nghi lễ gì, tổ chức ra sao?, nhà báo Lê Tiên Long – một người đam mê tìm hiểu lịch sử – dành tâm sức tìm tòi các câu chuyện. Tác giả đọc nhiều bộ chính sử lẫn nguồn văn bản, tư liệu, tìm tòi qua các chuyên gia, từ đó biên soạn lại những mẩu chuyện.

Bìa cuốn Tết chốn vàng son, sách 236 trang, NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành. Sách còn có nhiều hình ảnh minh họa về kinh thành Huế xưa (của nhà báo Võ Thạnh) và các địa danh lưu dấu ấn lịch sử từ nhiều nguồn. Ảnh: Quỳnh My

Bìa cuốn “Tết chốn vàng son”, sách 236 trang, NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành. Sách còn có nhiều hình ảnh minh họa về kinh thành Huế xưa (của nhà báo Võ Thạnh) và các địa danh lưu dấu ấn lịch sử từ nhiều nguồn. Ảnh: Quỳnh My

Sách gồm 35 câu chuyện với hai phần chính: Phần một là Cung đình chuẩn bị đón Tết và phần hai Vua quan ăn Tết. Ngay từ những trang đầu tiên, độc giả có thể cảm nhận được không khí một thuở, sự háo hức, tất bật ngày xuân lẫn nét thiêng liêng, nghiêm trang nề nếp hoàng gia. Các vua – vốn được mệnh danh là “thiên tử” – sẽ thay mặt thần dân trăm họ tế lễ Trời Đất, cầu cho một năm thịnh vượng, bình an.

Cung cách “quản trị bộ máy” cung đình gợi mở nhiều câu chuyện trong nếp sinh hoạt của bậc tiên tổ. Ví dụ, Lịch nghỉ Tết của triều Nguyễn là từ ngày 25 Tháng Chạp đến ngày bảy tháng Giêng. Trong các ngày Tết, vua nhà Nguyễn thường chỉ tổ chức hoạt động nghi lễ trong phạm vi cấm thành, lễ chầu mừng của các quan và hoàng thân vào sáng mùng Một. Ngày mùng Ba Tết, một số vua đi thăm thầy dạy học, đúng với câu “mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy” của dân gian. Ngày mùng Năm, vua đi du xuân, thăm viếng lăng tẩm, chùa đền bên ngoài kinh thành.

Ban thưởng cho “nhân sự” vào dịp lễ Tết cũng là việc nhiều vua chúa quan tâm thấu đáo. Như đời vua Lý Thánh Tông xem việc cấp lương bổng là để “nuôi lòng thanh liêm” của quần thần. Khoản tiền các quan được vua ban vào ngày Tết ở thời Lê là khoản mừng tuổi đầu năm. Việc ban tiền Tết cho quan viên thời Lê sơ, sau này sang thời Lê trung hưng vẫn được duy trì và đưa vào điển chế, gọi là “tiền thưởng xuân” theo thứ bậc.

Vào thời Lê trung hưng, sách Lê triều hội điển cho biết ngày Mùng Một Tết vua ban tiền thưởng và tổ chức yến tiệc thiết đãi quần thần. Riêng tiền thưởng xuân do chúa Trịnh ban cho các quan mới “rủng rỉnh”, vì chúa mới là người quản “hầu bao” của cả nước. Do đó, vào ngày Tết, các quan chúc thọ vua xong thì sang làm lễ bên phủ chúa, dự yến và nhận ban thưởng.

Các triều vua không chỉ thưởng Tết cho quan mà còn chú trọng hậu đãi hiền tài, biền binh, lính thợ trấn giữ ở các đồn lũy. Ngoài ra, một phong tục đẹp của người Việt xưa là thưởng Tết cho người già. Vua đầu tiên của triều Lý là Lý Thái Tổ, sau khi lên ngôi năm 1010, vào tháng 2, ông về quê ở châu Cổ Pháp (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) trao tặng tiền và lụa cho nhiều bô lão, theo Đại Việt sử ký toàn thư.

Tác giả Lê Tiên Long cho biết hy vọng thông qua cuốn sách nhỏ, độc giả, nhất là người trẻ, sẽ biết thêm nhiều điều thú vị, hiểu thêm về từng triều đại cũng như hiểu về lịch sử. “Từ đó thêm yêu văn hóa của đất nước mà cha ông đã xây dựng và gìn giữ nghìn năm qua”, Lê Tiên Long nói.

Nhà báo Lê Tiên Long trong dịp ra mắt cuốn sách đầu tiên

Nhà báo Lê Tiên Long trong dịp ra mắt cuốn sách đầu tiên “Vua chúa Việt và những điều chưa biết”, tại TP HCM. Ảnh: Thất Sơn

Theo nhà báo Yên Ba, tác giả đã tỉ mẩn dựa vào nhiều tác phẩm chính sử, rồi làm công việc chọn, biên chép, kết nối các dữ kiện, nhân vật, truyện kể. Có những cuốn sử dày hàng nghìn trang, ghi lại các trận đánh, chiến công hay những nhân vật lẫy lừng, nhưng cũng có những cuốn sử nhỏ, ghi chép lại chuyện đời, chuyện người, chuyện cương vực, địa lý, danh lam thắng cảnh, núi động sông hồ, tước cấp, bổng lộc, quan chế, lễ nhạc, đền miếu.

Tết chốn vàng son của tác giả Lê Tiên Long là một cuốn ‘sử’ nhỏ nhắn kiểu như thế. Có đôi chút tiếc nuối, giá như tác giả trau chuốt câu chữ hơn chút nữa, lọc lựa kỹ càng hơn chút nữa thì Tết chốn vàng son xứng đáng là một cuốn sách kể sử thấm đẫm hơi văn, giúp cho người đọc tận hưởng phong vị sang cả của chốn cung đình khi Tết đến xuân về”, ông Yên Ba nhận định.

Tác giả Lê Tiên Long, 48 tuổi, sinh tại Thanh Hóa, Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 1999. Anh là phóng viên, cộng tác viên của nhiều đơn vị báo đài, đồng thời sưu tầm tư liệu viết về mảng văn hóa, lịch sử. Trước Tết chốn vàng son, Lê Tiên Long xuất bản cuốn sách đầu tay Vua chúa Việt và những điều chưa biết – chắt lọc những câu chuyện về sinh hoạt, cuộc sống cung đình.

Thất Sơn

Nguồn: https://vnexpress.net/vua-chua-viet-thuong-tet-the-nao-4842221.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay