Cắm hoa lan kiếm trăm triệu mỗi tháng
Mấy năm gần đây, nhu cầu chơi hoa, đặc biệt là hoa lan trong dịp tết ngày càng phổ biến, nghề cắm hoa lan vì thế cũng trở thành nghề “hot” dịp cận tết. Công việc cắm lan đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kỹ thuật cao nên tiền công cũng được chi trả tương xứng với sức lao động của người thợ. Một người thợ lành nghề có thể bỏ túi vài triệu đồng mỗi ngày.
Gia đình kinh doanh hoa tươi nhưng gần 10 năm nay, anh Đào Huy Chi (Hà Đông, Hà Nội) cứ gần tết lại chuyển qua làm thợ cắm lan với đội nhân sự hơn 10 người. Anh Chi cho biết, với giá cắm 15.000 đồng/cành lan, thu nhập cho cả đội 10 người có thể lên đến 30 – 40 triệu đồng/ngày.
Mỗi tháng, một thợ cắm lan lành nghề như anh Chi có thể kiếm gần 100 triệu đồng. Ngay cả thợ phụ nếu chăm chỉ cũng kiếm được 20 – 30 triệu đồng/tháng.
Anh Lê Văn Hiểu (35 tuổi) cũng là thợ làm lan hồ điệp lành nghề. Anh cho hay, công việc cắm lan sẽ được trả công dựa theo sản phẩm, khoảng 15.000 – 30.000 đồng/cây, tùy từng nơi. Trung bình mỗi ngày, anh cắm được khoảng 100 cây lan, đỉnh điểm có những ngày gần 300 cây. Tính ra, anh Hiểu có thể kiếm được gần 5 triệu đồng/ngày.
Cắm hoa lan – việc nhẹ lương cao dịp Tết.
Dịch vụ dọn nhà làm không hết việc
Nguyễn Thị Liên là nhân viên hành chính tại Hà Nội. Vào những ngày này, khi tất cả bộ, ngành và cơ quan nhà nước đang thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cơ quan của Liên cũng không thể đứng ngoài “cuộc cách mạng tinh giản” và chị trở thành đối tượng có nguy cơ mất việc.
Liên cho biết, ngoài việc chuẩn bị vài bộ hồ sơ để sẵn sàng nộp đơn xin việc trong thời gian tới thì vào những ngày cận tết, chị đã liên hệ với bạn bè nhờ giới thiệu và làm quen với công việc mới – dịch vụ dọn nhà dịp tết. Hàng ngày vẫn phải đi làm ở cơ quan, Liên tận dụng 2 ngày nghỉ cuối tuần để đi dọn nhà thuê kiếm thêm chút tiền tiêu tết.
“Giá trung bình mỗi giờ dọn nhà hiện nay khoảng 100.000 đồng, mấy ngày sát tết có thể cao hơn, khoảng 150.000/giờ. Vào ngày cuối tuần, nếu chịu khó hoặc đưa cả chồng đi làm cùng, tôi cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng/ngày.
Tính ra mỗi tháng, tôi làm thêm được 4 – 5 triệu đồng, có thêm chút tiền chi tiêu và cũng là chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng cho công việc mới nếu chẳng may bị mất việc”, Liên chia sẻ.
Chị Hoàng Thu Hiền là nhân viên vệ sinh nhà cao tầng ở Thanh Xuân. Ngoài giờ hành chính, chị kết hợp dọn nhà thuê cho các gia đình ngay tại chung cư. Dịp cận tết, chị và những nhân viên vệ sinh trong tòa nhà làm không hết việc.
Ngoài tiền lương công ty trả riêng, việc làm thêm cũng mang lại cho chị khoảng 20 triệu đồng/tháng. Với một người làm công việc dọn nhà chuyên nghiệp, chỉ cần chăm chỉ thì việc kiếm được khoản thu nhập khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng không khó.
“Hốt bạc” nhờ vận chuyển hoa, cây cảnh
Thời điểm này, các vườn đào Nhật Tân, vườn quất Tứ Liên (Hà Nội) lúc nào cũng nhộn nhịp người mua kẻ bán. Sau khi chọn được cây cảnh ưng ý, khách hàng có nhu cầu vận chuyển về tận nhà, nhờ vậy, dịch vụ chở hoa thuê nở rộ.
Anh Nguyễn Hải Nam làm nghề vận chuyển đào cho biết, giá chở một cây cảnh loại nhỏ bằng xe máy trong nội thành khoảng 200.000 đồng, giá có thể cao hơn nếu quãng đường xa. Vào những ngày cao điểm, anh có thể kiếm 1 – 2 triệu đồng/ngày từ việc chở đào, quất thuê, thu nhập một tháng lên đến 30 – 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng hóa cũng tăng cao nên thu nhập của người chạy xe ôm công nghệ dịp cận tết có thể tăng gấp đôi nếu chăm chỉ.
Trung bình thu nhập của các tài xế xe ôm rơi vào khoảng 500.000 – 600.000 đồng/ngày, cận tết có thể được từ 800.000 đến 1 triệu đồng mỗi ngày. Mặc dù công việc khá vất vả vì thường xuyên ngồi trên xe và phải đối mặt với việc tắc đường vào dịp cận tết nhưng rất nhiều bạn trẻ, trong đó có sinh viên cũng gia nhập đội ngũ xe ôm để kiếm thêm.
Dịch vụ làm đẹp đắt hàng
Sự gia tăng mạnh của nhu cầu làm đẹp trong dịp tết đã khiến các salon tóc, spa, tiệm nail vô cùng bận rộn. Nhiều nơi đã kín lịch đặt trước cả tháng và phải cho nhân viên làm thêm giờ để phục vụ khách hàng. Nguyễn Văn Lộc, chủ salon tóc Tâm An trên phố Nguyễn Tuân cho biết, từ đầu tháng 12, nhân viên đã phải làm việc từ sáng sớm đến tận đêm khuya.
“Bình thường thì chỉ 8h tối, chúng tôi đã nghỉ nhưng những ngày này thì làm việc đến nửa đêm. Tôi cũng phải tuyển thêm nhân viên gội đầu, làm nail và thợ cắt, uốn làm thời vụ trong dịp tết.
Vào tháng cuối cùng của năm, lượng khách hàng tìm tới các dịch vụ làm tóc có thể tăng gấp 3 – 4 lần ngày thường, với bảng giá cho 1 lần làm tóc, tạo kiểu, uốn nhuộm có thể lên tới 1 – 5 triệu đồng, tùy nhu cầu của khách. Doanh thu tháng tết của một salon tóc có thể lên đến vài trăm triệu đồng, tăng gấp đôi, gấp ba so với các tháng bình thường”, anh Lộc chia sẻ.
Chăm sóc bệnh nhân ngày tết 2 triệu đồng/ngày
Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân dịp Tết Nguyên đán trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Giá dịch vụ chăm bệnh nhân ngày tết phổ biến 1,5 – 2 triệu đồng/ngày trong đợt tết (tính từ 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng). Mức lương cao nhưng lao động nghề này vẫn luôn “đắt như tôm tươi”.
Anh Nguyễn Văn Khánh (quê Phú Thọ) gắn bó với nghề chăm bệnh nhân đã 15 năm chia sẻ, trước kia ở quê, anh làm nghề tự do, sau đó anh lên Hà Nội chăm sóc người bác phải nhập viện.
Anh bắt đầu công việc chăm sóc bệnh nhân từ đó. Không như nhiều người khác thường di chuyển giữa các bệnh viện, nhiều năm nay, anh Khánh chỉ làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Là đàn ông, có sức khỏe, lại chiều bệnh nhân nên anh Khánh rất đông khách.
Bệnh nhân này ra viện, anh sẽ có ngay khách hàng mới. Làm công việc mà trước đây chủ yếu các chị em mới chọn lựa, anh cho biết mình gắn bó lâu dài với nghề này một phần vì thu nhập, phần cũng vì thấy niềm vui và ý nghĩa với công việc khi giúp được nhiều người bệnh hồi phục.
“Những cái tết gần đây, tôi đều ở lại bệnh viện chăm bệnh nhân. Một phần để kiếm thêm chút tiền lo cho các con ăn học, phần vì tôi cũng rất thương bệnh nhân mà mình chăm sóc trong thời buổi ai cũng ít con cái, không có nhiều thời gian chăm bố mẹ.
Năm ngoái, tôi ở lại đón tết với bệnh nhân hơn 80 tuổi mà tôi đã chăm sóc trong gần một năm. Ở lại bệnh viện đón tết cùng bác, tôi cũng cảm thấy ấm áp hơn, bác đã coi tôi như người thân trong nhà”, anh Khánh chia sẻ.
Hơn 1 triệu đồng/ngày vẫn không thể giữ chân người giúp việc
Gia đình chị Thúy Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) có hai bé sinh đôi mới sinh, mẹ chị bị tai biến, đi lại khó khăn nên 3 năm nay chị vẫn thuê giúp việc để trông hai con. Mọi năm, người giúp việc đều ở lại đến sáng 30 tết rồi mới về quê, sau đó khoảng mùng 3 tết là trở lại.
Tuy nhiên, năm nay, từ đầu tháng 12, họ đã xin về từ 26 tết và đến mùng 5 mới lên, trong khi vợ chồng chị phải đi làm đến 28 tết. Mặc dù đã thuyết phục cô giúp việc bằng mọi cách và tăng lương ngày tết từ 1 lên 1,2 triệu đồng/ngày nhưng chị Hòa vẫn không thể giữ chân được người làm.
“Cô ấy nói năm nay nhà có việc, vừa mừng thọ cho bố và sau tết con trai lại đi làm việc tại Hàn Quốc nên muốn về nhà sớm để chuẩn bị tết cho tươm tất. Tôi cũng đành phải tìm phương án khác, đang liên hệ với mấy công ty chuyên cung cấp giúp việc gia đình để tìm người”, chị Hòa cho biết.
Chị Hoàng Thị Dịu (quê Thái Nguyên) chia sẻ: “Tôi đã làm giúp việc gia đình ở Hà Nội hơn 10 năm nay. 4 năm gần đây, tôi đều ở lại Hà Nội làm thêm dịp tết. Con cái cũng đã có gia đình riêng, sống một mình nên tôi ở lại cũng không có vấn đề gì. Lương hàng tháng chỉ được 8 triệu nhưng nếu ở lại 10 ngày tết là có thêm 10 triệu đồng, nhiều hơn cả tháng làm việc.
Vì vậy, tôi ở lại để có thêm đồng ra đồng vào, sau tết về cũng có đồng quà tấm bánh cho cháu. Thường đến Rằm tháng Giêng, tôi sẽ xin nhà chủ về nhà 1, 2 ngày rồi lại lên làm việc”.
Nguồn: https://ngoisao.vn/theo-dong-su-kien/kien-thuc/vua-cua-moi-loai-nghe-dip-tet-goi-ten-5-cong-viec-nay-kiem-vai-trieungay-khong-kho-444495.htm