Chỉ xét tuyển lớp 6, kể cả với trường chất lượng cao, có thể tạo ra cuộc đua “làm đẹp” học bạ và giải thưởng, gây bất bình đẳng, theo nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục.
Hai ngày trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh THCS, THPT từ năm 2025, yêu cầu các trường xét tuyển lớp 6. Trước đó, Bộ cũng nêu yêu cầu này, nhưng cho các trường có số thí sinh vượt chỉ tiêu được xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá.
Theo ông Trịnh Văn Mừng, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay, cấp THCS được phổ cập, vì vậy xét tuyển vào lớp 6 là hình thức tuyển sinh phù hợp.
Ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đồng tình. Cả hai cho biết không gặp khó khăn với yêu cầu xét tuyển lớp 6. Chính quyền cấp huyện khảo sát số lượng, sau đó phân tuyến học sinh theo khả năng tiếp nhận của các trường.
Dù vậy, ông Mừng và một số người cũng nhận thấy việc xét tuyển sẽ gây khó khăn với các trường có số đăng ký lớn hơn nhiều chỉ tiêu.
Hiện, Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… đều có các trường diện này, theo mô hình THCS trọng điểm, tiên tiến, chất lượng cao. Các trường được đầu tư về giáo viên, cơ sở vật chất và tuyển sinh không theo tuyến, nên thường quá tải hồ sơ.
Chẳng hạn năm 2024, trường THCS Cầu Giấy ở Hà Nội có tỷ lệ cạnh tranh 1/6, THCS Ngoại ngữ 1/18. Tại TP HCM, hơn 4.300 học sinh thi lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa, trong khi chỉ tiêu 350.
Để chọn học sinh, các trường thường xét tuyển bước đầu bằng học bạ, sau đó cho các em làm bài kiểm tra, đánh giá năng lực.
Ông Mừng nhận định nếu bắt buộc xét tuyển, các địa phương sẽ chủ yếu dựa vào học bạ, bởi bậc tiểu học không tổ chức các cuộc thi văn hóa. Học sinh chỉ có điểm đánh giá cuối kỳ ở một số môn; việc kiểm tra, cho điểm cũng có sự chênh lệch nhất định giữa các trường.
“Nếu không cẩn thận, chính sách xét tuyển lại tạo ra tiêu cực trong việc làm đẹp học bạ”, ông Mừng nói.
Đây cũng là lo ngại của lãnh đạo một Sở Giáo dục và Đào tạo ở miền Bắc. Ông cho biết trước năm 2018, các địa phương chỉ xét tuyển vào lớp 6. Khi đó, ban giám hiệu các trường rất “đau đầu” khi có hàng nghìn hồ sơ với điểm học bạ toàn 9, 10, trong khi chỉ tiêu chỉ vài trăm.
Khi học bạ chưa đủ để phân loại học sinh, các địa phương buộc phải tìm thêm tiêu chí phụ làm điều kiện xét tuyển, phổ biến nhất là sử dụng các chứng chỉ, giải thưởng. Dù vậy, việc này có nhiều rủi ro.
“Bây giờ có cả nghìn cuộc thi. Chúng tôi không đủ nhân lực và chuyên môn để thẩm định chất lượng từng cuộc thi để xem có đủ uy tín hay không, rồi giấy chứng nhận là thật hay giả”, vị này chia sẻ.
Chưa kể, dùng kết quả các cuộc thi làm tiêu chí xét tuyển có thể khiến phụ huynh đua nhau cho con đi thi, theo một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.
“Anh đưa tiêu chí nào thì phụ huynh đi tìm cái đó thôi”, ông nói, cho rằng hệ quả kéo theo của việc này là tiếp tục khiến học sinh đối mặt áp lực thi cử, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng, bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con tham gia nhiều cuộc thi.
Nghệ An hiện có hơn 10 trường THCS trọng điểm, đã tổ chức thi tuyển từ năm 2018. So sánh với giai đoạn xét tuyển trước đây, lãnh đạo Sở cho biết chất lượng đầu vào bằng thi tuyển tốt hơn hẳn.
“Học sinh được làm bài đánh giá năng lực với kiến thức tổng hợp, có sự phân hóa rõ rệt”, ông giãi bày.
Như mọi năm, kế hoạch tuyển sinh lớp 6 được thông báo vào tháng 3. Đại diện các Sở thấy rằng thời gian còn lại khá cập rập cho phụ huynh.
“Cũng phải để họ có thời gian chuẩn bị cho những tiêu chí mình đưa ra. Phụ huynh và học sinh năm nay sẽ vất vả”, đại diện Sở Giáo dục Nghệ An bày tỏ. “Dù vậy, cũng không còn cách nào khác, quy chế đã được ban hành. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra những tiêu chí thuận tiện nhất cho người học, hài hòa giữa các vùng”.
Về lâu dài, ông Trịnh Văn Mừng cho rằng cần có sự đồng bộ trong kiểm tra, đánh giá giữa các trường để kết quả học bạ có sự tương đồng nhất định. Chẳng hạn, mỗi quận, huyện có thể kiểm tra định kỳ cuối năm học lớp 5 chung đề, tổ chức coi thi, chấm thi chung và có sự tham gia của giáo viên khối THCS.
“Làm sao để đánh giá công bằng, công tâm, giúp các trường có số lượng học sinh đăng kí vượt chỉ tiêu thực hiện công tác xét tuyển chất lượng, hiệu quả”, ông Mừng nói.
Hằng Lệ – Đức Hùng
Nguồn: https://vnexpress.net/xet-tuyen-lop-6-co-the-khien-chay-dua-lam-dep-hoc-ba-4837480.html