Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeGiáo DụcXu hướng xã hội lấn át tự nhiên

Xu hướng xã hội lấn át tự nhiên

Điều này một lần nữa đặt ra lo ngại về nguồn nhân lực trong tương lai cũng như cách tổ chức dạy học tự chọn trong trường THPT hiện nay.

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT: Xu hướng xã hội lấn át tự nhiên- Ảnh 1.

Tư vấn chọn môn học lựa chọn cho phụ huynh và học sinh lớp 10 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội)

CHỌN MÔN XÃ HỘI VẪN ÁP ĐẢO

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết tiếng Anh vẫn là môn có số lượng học sinh (HS) lựa chọn nhiều nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Trường có 810 HS thì 768 em chọn ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là môn ngoại ngữ chính, tỷ lệ 94,8%. Ở môn tự chọn còn lại, vật lý được nhiều HS chọn hơn cả. Tiếp đó là lịch sử và hóa học với số lượng xấp xỉ – trên dưới 200 em. Các vị trí tiếp theo là giáo dục kinh tế và pháp luật, địa lý, sinh học, không có HS nào chọn môn công nghệ.

Tương tự, ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho biết theo kết quả khảo sát, trong số 2 môn tự chọn thì các môn khoa học xã hội vẫn được chọn nhiều hơn hẳn so với khoa học tự nhiên. Số HS chọn môn tiếng Anh chiếm vị trí hàng đầu, sau đó là các môn tương đối bằng nhau là vật lý, lịch sử, giáo dục kinh tế và pháp luật; số chọn môn hóa, sinh rất ít.

Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn (Hà Nội) cũng cho hay trường có 732 HS thì 613 em chọn tiếng Anh, 298 em chọn vật lý, 181 em chọn giáo dục kinh tế và pháp luật, 71 em chọn hóa học, 19 em chọn sinh học, 72 em chọn lịch sử, 27 em chọn địa lý, 2 em chọn tin học và không có HS nào chọn môn công nghệ. Như vậy, tại trường Thạch Bàn, tỷ lệ HS chọn tổ hợp khối D truyền thống (toán, văn, tiếng Anh) cao nhất với 83,7%. Đứng vị trí thứ hai là khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh), tỷ lệ khoảng 40,7%.

Bí quyết chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt điểm cao | Chọn ngành học cho tương lai

HS chọn tổ hợp khối A (toán, vật lý, hóa học) chỉ có tối đa 71 em, chiếm tỷ lệ 9,6%. Trong khi đó, số HS chọn tổ hợp khối B (toán, hóa học, sinh học) tối đa chỉ có 19 em, chiếm 2,5%. Tỷ lệ HS chọn tổ hợp khối C (văn, sử, địa) cũng tương đối thấp, tối đa 27 em, chiếm tỷ lệ 3,6%.

Trong khi đa số các trường ở nội thành Hà Nội, môn tiếng Anh được lựa chọn số 1 thì ở các trường ngoại thành HS có xu hướng chọn các môn xã hội và “né” ngoại ngữ. Trường THPT Lạc Long Quân (H.Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết trường chỉ có khoảng 70 trên tổng số hơn 500 HS chọn thi môn tiếng Anh. Khảo sát các trường tại Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, số HS chọn thi tiếng Anh phổ biến ở khoảng dưới 100 em, chiếm tỷ lệ dưới 1/5. Số HS chọn môn xã hội cũng chiếm ưu thế hơn hẳn so với số HS chọn môn tự nhiên, tỷ lệ 7/3. Trong đó môn xã hội được chọn nhiều nhất là giáo dục kinh tế và pháp luật. Với môn tự nhiên, HS lựa chọn vật lý nhiều nhất.

CHỌN MÔN XÃ HỘI VỚI SUY NGHĨ DỄ “ĂN” ĐIỂM

Ông Đinh Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân, lý giải đa số HS của trường chỉ có mục tiêu đỗ tốt nghiệp, sau đó sẽ đi học các trường cao đẳng nghề. Vì vậy, các em sẽ có xu thế chọn môn xã hội với suy nghĩ dễ “ăn” điểm. Bên cạnh đó, mặc dù nhà trường rất chú trọng dạy tiếng Anh, đồng thời khuyến khích các em học tốt môn này, nhưng HS với đầu vào lớp 10 không cao có tâm lý ngại học ngoại ngữ.

Tương tự, Trường THPT Tam Đảo II (Vĩnh Phúc) có tới 60% số HS đăng ký 2 môn tự chọn là lịch sử và địa lý; 40% đăng ký lần lượt các môn vật lý, hóa học và các môn còn lại, môn tiếng Anh cũng nằm trong số môn có rất ít HS đăng ký. Với đặc thù là trường miền núi, tập trung nhiều con em dân tộc thiểu số, học lực của HS thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh, nên mục tiêu lớn nhất của HS và nhà trường là nỗ lực thi đỗ tốt nghiệp THPT.

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT: Xu hướng xã hội lấn át tự nhiên- Ảnh 2.

Dự đoán tiếng Anh là môn có số lượng học sinh ở các thành phố lớn lựa chọn nhiều nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

ảnh: đào ngọc thạch

TƯ VẤN CHỌN MÔN TỪ LỚP 10 ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG

Ông Đàm Tiến Nam cho hay việc lựa chọn môn thi của HS thực ra không gây bất ngờ với nhà trường vì ngay từ khi HS vào lớp 10, lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới, nhà trường đã phải nghiên cứu rất kỹ để đưa ra các tổ hợp môn học lựa chọn. “Chúng tôi không chia tổ hợp môn theo ban khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội mà xây dựng tổ hợp có thể ứng với xu hướng tuyển sinh ĐH, ứng với nhiều ngành học để HS có định hướng rõ hơn khi lựa chọn thay vì chỉ các tổ hợp truyền thống”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng đánh giá điều đáng quan tâm với nhà trường không phải HS chọn môn thi nào mà là cách ra đề thi, cách tính điểm, độ phân hóa trong đề thi đã có những thay đổi đáng kể, đòi hỏi việc dạy học, ôn tập thực sự phải “chuyển mình” theo hướng đánh giá năng lực người học thay vì chỉ kiểm tra kiến thức như trước đây. “Việc HS được chọn tới 2/4 môn thi là một lợi thế rất lớn. Các em được chọn từng môn theo năng lực và định hướng tuyển sinh ĐH, thay vì trước đây nếu muốn chọn lý để xét tuyển tổ hợp A1 thì phải thi cả sinh cả hóa dẫn đến kết quả các môn này thấp so với bình diện chung”, ông Nam phân tích.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng sớm cho HS từ khi chọn môn học lúc vào lớp 10. Không phải HS nào vừa tốt nghiệp THCS cũng hiểu rõ thế mạnh của mình là gì cũng như xác định nghề nghiệp sẽ theo đuổi. Tâm lý HS thường e ngại các môn khoa học tự nhiên vì cho rằng khó và không hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu nhà trường phân tích kỹ, cho HS thời gian nghiên cứu, giải đáp mọi băn khoăn của các em thì tình hình sẽ được cải thiện. Nếu bỏ qua thời điểm này, tỷ lệ HS chọn môn tự nhiên và môn xã hội sẽ mất cân bằng nghiêm trọng, dẫn đến hạn chế lựa chọn của các em khi bước vào cánh cửa ĐH cũng như cơ hội việc làm trong tương lai. (còn tiếp)

Chọn môn học đi cùng chọn tổ hợp xét tuyển ĐH

Trần Anh Khoa, HS lớp 12A9, Trường THPT Nguyễn Thần Hiến (Kiên Giang) dự định xét tuyển các ngành liên quan đến chính trị như triết học, xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước. Ở trường, Khoa tập trung học ngữ văn, lịch sử và địa lý để phù hợp với tổ hợp xét tuyển. Bên cạnh đó, nam sinh tự ôn kiến thức các môn còn lại để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Tương tự, Nguyễn Phan Quỳnh Như, HS lớp 12D, Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh) cũng sẽ thi đánh giá năng lực và làm bài thi tốt nghiệp các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh và vật lý, với mục tiêu xét tuyển các ngành như báo chí, marketing hay luật. Nữ sinh cho hay: “Em đã suy nghĩ về ngành học từ những năm cấp hai. Nhưng mãi đến khi vào THPT, em mới biết mình hợp với những ngành khoa học xã hội. Tuy nhiên, em vẫn chưa xác định ngành nào sẽ là ưu tiên vì còn dao động trước các lựa chọn”.

Còn Lâm Gia Huy, HS lớp 12A9, Trường THPT Trần Văn Long (Trà Vinh), cho biết: “Dù em thích làm việc nhóm, tương tác với đám đông nhưng em quan tâm nhiều hơn đến công việc có tính ổn định lâu dài. Em cũng hứng thú với hoạt động vẽ kỹ thuật nên quyết định chọn các ngành thuộc lĩnh vực xây dựng để theo đuổi đam mê của mình”. Ngoài tập trung vào các môn toán, tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp, hiện tại Huy chú trọng trau dồi kỹ năng vẽ để thi năng khiếu, xét tuyển vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.

Dù còn hơn một năm mới đến kỳ thi tốt nghiệp của mình, Trần Ngọc Trà My, HS lớp 11 Anh 1, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) dự định đăng ký nguyện vọng xét tuyển những ngành liên quan đến kinh tế. Nữ sinh cho biết sẽ ôn tập các môn trọng tâm như toán, tiếng Anh, vật lý và hóa học; cũng như tự học các môn xã hội để hoàn thành tốt bài thi đánh giá năng lực. Phan Ngọc Thùy Trang, HS lớp 11A1, Trường THPT Kiên Lương (Kiên Giang) thì chia sẻ: “Em dự tính tham gia cả hai kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để xét tuyển các ngành kinh tế, tâm lý học và sư phạm”.

Tuấn Hồ

Nguồn: https://thanhnien.vn/chon-mon-thi-tot-nghiep-thpt-xu-huong-xa-hoi-lan-at-tu-nhien-185241204222627364.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay