Không chỉ thép có thể thành mặt hàng đầu tiên chịu tác động, nhiều sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đứng trước rủi ro từ thuế quan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh áp thuế 25% lên toàn bộ nhôm, thép vào nước này kể từ 4/3. Dự báo những bên chịu thiệt từ quyết định này, CNBC liệt kê gồm Việt Nam, Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch thép Việt Nam vào nước này năm ngoái đạt 1,13 tỷ USD, đứng 8 về giá trị. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lại cao nhất trong các nhà cung cấp, hơn 140% so với 2023, theo tính toán của CNBC.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam bán 1,67 triệu tấn sắt thép, trị giá gần 1,32 tỷ USD đến Mỹ, chiếm lần lượt 9,4% và 10,5% tổng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm qua.
Khi thép khả năng trở thành mặt hàng đầu tiên có thể chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan của ông Trump, nhóm phân tích của Ngân hàng HSBC trong báo cáo phát hành ngày 11/2 lưu ý rủi ro thuế quan “phủ bóng mây” lên triển vọng thương mại.
“Việt Nam là quốc gia đối diện với rủi ro thuế quan do có thặng dư thương mại lớn với Mỹ”, báo cáo nhận xét.
Năm qua, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu 112,5 tỷ USD và nhập 10,5 tỷ USD từ nước này, lần lượt tăng 16% và giảm gần 24% so với 2023.
Hàng hóa tại cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng ngày 3/7/2024. Ảnh: Lê Tân
Không chỉ tác động trực tiếp, thuế quan còn bất lợi cho sức mua, tỷ giá, cũng như triển vọng xuất khẩu nhiều mặt hàng, ngoài thép. Đầu tiên, kinh tế Mỹ – thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam – có thể chậm lại và lạm phát tăng ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Dự báo gần nhất của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) cho rằng, với chính sách thuế quan đã công bố (chưa gồm thuế 25% lên thép) và các đe dọa, tăng trưởng GDP Mỹ sẽ chậm lại ở mức 1,8%, trong khi lạm phát tăng thêm 0,4 điểm phần trăm, lên 2,5%. Kinh tế nước này có thể chỉ tăng trưởng 1%, lạm phát lên 3,1% nếu các chính sách thuế áp lên Mexico và Canada đang tạm hoãn, được thực thi sau một tháng nữa.
“Thuế quan sắp tới có thể gây ra lạm phát cao hơn và làm chậm lại tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, nhất là với hàng hóa lâu bền”, ông Olu Sonola, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ của công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo.
Hàng hóa lâu bền phổ biến là các đồ gia dụng lớn (tủ lạnh, điều hòa..), thiết bị điện tử (điện thoại, TV, máy ảnh), xe, đồ nội thất và máy móc công nghiệp. Đây đều là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Mỹ, mang về hàng tỷ đến chục tỷ USD năm ngoái. Chẳng hạn, nội thất 9 tỷ USD, điện thoại (9,8 tỷ USD), máy móc-thiết bị-phụ tùng (22 tỷ USD).
Dệt may cũng là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Năm ngoái, các doanh nghiệp ngành này bán 44 tỷ USD giá trị sản phẩm đi các nước, tăng trên 11% so với 2023. Mỹ là thị trường đứng đầu về kim ngạch, với hơn 16 tỷ USD.
Nói với VnExpress, ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty may mặc Dony cho rằng thuế quan của ông Trump chỉ là một phần trong xu hướng khó lường kinh tế toàn cầu trong thập kỷ này.
Chia sẻ kịch bản ứng phó, ông cho biết doanh nghiệp tập trung hai chiến lược chính. Theo đó, họ thận trọng mở rộng, bất kể trường hợp đơn hàng tăng mạnh. Ngoài các thị trường chính và truyền thống là Mỹ, châu Âu, công ty đa dạng hóa khách hàng đến Trung Đông, Nga hay châu Phi.
“Nếu chỉ đa dạng khách hàng sang các đồng minh Mỹ thì chưa đủ, vì họ có khả năng cũng điều chỉnh chính sách tương tự khi ông Trump thay đổi”, ông Quang Anh nói.
CEO Dony nói thêm việc mở rộng có thể khiến lợi nhuận giảm đi, hoạt động vất vả hơn do sản xuất kém tối ưu, nhưng là sự chuẩn bị cần thiết để doanh nghiệp giảm rủi ro.
Thứ hai, thuế quan và rủi ro lạm phát khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể thận trọng hơn trong hạ lãi suất, khiến USD duy trì sức mạnh. Ngân hàng UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ nhích dần lên mức cao nhất là 26.000 đồng vào quý III.
Đồng nội tệ yếu hơn so với USD tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhưng áp lực tỷ giá khiến chi phí đầu vào tăng. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 405,53 tỷ USD nhưng cũng nhập 380,76 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê. Hơn 93% tổng kim ngạch nhập khẩu thuộc về nhóm 46 mặt hàng có giá trị trên 1 tỷ USD phục vụ nhu cầu nguyên liệu và thiết bị cho sản xuất công nghiệp.
Cộng rủi ro thuế và chi phí đầu vào rình rập tăng thì biên lợi nhuận của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng. “Ngành sản xuất Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu”, báo cáo HSBC lưu ý. Đó là chưa kể, khi USD tăng, hàng hóa của các đối thủ có đồng tiền mất giá mạnh hơn so với đô la Mỹ cũng trở nên cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, do chỉ tiêu kinh doanh tính bằng USD, tỷ giá tăng khiến các FDI hoạt động ở Việt Nam chịu áp lực tăng trưởng lớn hơn. Theo đánh giá từ nhóm chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), nhóm này cùng với các doanh nghiệp Việt xuất khẩu quay về khai thác thị trường nội địa sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt hơn trên sân nhà – vốn sức mua chưa cải thiện nhiều.
Tuy vậy, nhóm phân tích từ HSBC cho rằng còn quá sớm để đánh giá cụ thể hơn trong bối cảnh nhiều bất định với khu vực và Việt Nam. Lúc này, hai câu hỏi với Đông Nam Á là liệu rủi ro thuế quan có trở thành hiện thực và bao nhiêu công ty sẵn sàng di chuyển chuỗi cung ứng, gây tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc, chỉ vì các yếu tố ngắn hạn.
Ngân hàng UOB dự báo thời gian tới, các thị trường tài chính và nhà đầu tư toàn cầu sẽ phải thích nghi với nguy cơ thuế quan liên tục và những cuộc đàm phán căng thẳng đến phút chót. Phía BSA khuyến nghị doanh nghiệp nên sớm có các kịch bản ứng phó với các cuộc chiến thuế quan trên toàn cầu.
Viễn Thông
Nguồn: https://vnexpress.net/xuat-khau-viet-truoc-rui-ro-thue-quan-4848166.html