Tại Kỳ họp này, Quốc hội có Nghị quyết về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, một Nghị quyết rất quan trọng và cần thiết. Thực trạng là một số tổ chức bộ máy nhà nước của chúng ta hiện còn cồng kềnh, chưa hiệu quả.
Cuộc cách mạng cải cách, sắp xếp, tinh gọn nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước đang được triển khai thực hiện là rất cần thiết, cấp thiết. Người dân rất hoan nghênh, gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào cuộc “cách mạng” này.
Tôi cho rằng, để bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, linh hoạt, không gián đoạn sau sắp xếp, tinh gọn, yếu tố đặc biệt quan trọng là nhân tố con người. Bộ máy mới, cần tư duy mới và đội ngũ cán bộ có năng lực và tài năng.
Do đó, trong công tác sắp xếp, bố trí nhân sự, các cấp, các ngành cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác cán bộ theo hướng “vì việc tìm người”, “luận công ban thưởng”, “luận công bổ nhiệm”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ.
Nhà báo Lã Vinh
(Tổ 7, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng)
Cần cơ chế đặc biệt để phát triển đường sắt đô thị
Những năm gần đây, đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn dù được ưu tiên, song việc triển khai còn rất chậm do còn nhiều vướng mắc từ công tác giải phóng mặt bằng đến các cơ chế, chính sách liên quan. Nhưng ngay sau khi được đưa vào khai thác, các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông, Nhổn-ga Hà Nội tại Hà Nội và Bến Thành-Suối Tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân.
Quốc hội dịp này xem xét, quyết định hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt và đột phá giúp tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, tài chính và thủ tục đầu tư sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hệ thống giao thông công cộng là động lực phát triển đô thị thông minh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Tôi đề nghị tập trung, ưu tiên tối đa bố trí vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, trong đó, đầu tư công đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, kết hợp đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công-tư để giảm áp lực huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước.
Nguyễn Văn Tuấn
(Phường Quang Trung, quận Hà Ðông, Hà Nội)
Gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đề ra một số giải pháp như việc cấp kinh phí cho các quỹ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, cũng như giảm các thủ tục tài chính, hành chính đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Qua đó, kỳ vọng các nhà khoa học, các tổ chức khoa học, công nghệ sẽ được giảm các thủ tục hành chính và tài chính, giải phóng các rào cản để tập trung cho chuyên môn.
Tuy nhiên, dự thảo sẽ tốt hơn nếu có các nội dung: Nhà nước đầu tư và đặt hàng đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) khoa học, công nghệ mang tính chất quan trọng như các nhiệm vụ lớn có liên quan chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; các đột phá công nghệ lõi, công nghệ cao.
Các quỹ tài trợ nghiên cứu trên cơ sở cạnh tranh với các tiêu chí cụ thể về năng lực, khả năng thực hiện. Dự thảo cần thể hiện rõ hơn tinh thần của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là mang tính chất dài hạn và rủi ro cao…
Ðối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập nên theo cơ chế Nhà nước đặt hàng các nhiệm vụ dài hạn và cấp ngân sách, kinh phí tương ứng nhiệm vụ.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh
Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Ðại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Mạnh dạn ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn
Ðể phát huy tư duy đổi mới, chủ động của Quốc hội cùng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị quyết, luật để tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình phát triển, chúng tôi nhận thấy để làm được tốt việc này, trước hết phải là yếu tố con người.
Chọn lọc cán bộ là những người tài thật sự, làm việc thực chất, công việc sáng tạo được thể hiện trong từng báo cáo, đề án, có dấu ấn của từng người để phục vụ hoạt động Quốc hội và Chính phủ. Khi có yếu tố con người tài giỏi, dám nghĩ, dám làm thì mới xây dựng, hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, đưa chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao chất lượng hiệu quả của chính sách.
Trần Ðức Túy
Cán bộ hưu trí, Phường 1, thành phố Ðông Hà, tỉnh Quảng Trị
Sự linh hoạt, chủ động của Quốc hội
Việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp thiết, khẩn trương là phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Các kỳ họp bất thường là bình thường trong bối cảnh có nhiều vấn đề người dân, doanh nghiệp cần có hành lang pháp lý nhanh chóng, chặt chẽ, rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra của đời sống xã hội. Ðiều này thể hiện sự linh hoạt, chủ động, đổi mới của Quốc hội trong công tác lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tôi mong rằng các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, bám sát thực tế đời sống, xu hướng phát triển của đất nước và xu thế thời đại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đưa ra những ý kiến có chất lượng trên nghị trường.
Cử tri Trần Văn Oanh
(Xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang)
Nguồn: https://nhandan.vn/y-kien-cu-tri-post859749.html