Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, thống kê trên cả nước đến nay, tổng số cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử bị đưa vào diện rà soát nghĩa vụ thuế là 76.428 người. Trong đó, các trường hợp đã xử lý vi phạm là khoảng 30.000 người; tổng số tiền truy thu, xử phạt trên 1.200 tỉ đồng.
Theo quy định của pháp luật, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nếu phát sinh hoạt động kinh doanh có nghĩa vụ thuế thì phải tự khai, tự nộp và chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước.
Cơ quan thuế có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; có các giải pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm nếu có, để đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các hoạt động của người nộp thuế.
Ông Sơn cho biết, với nhóm người nổi tiếng, ngành thuế đã có hoạt động quản lý từ trước. Riêng một số trường hợp người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (KOL) tham gia livestream hoặc tiếp thị liên kết, bán hàng online, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý; trước hết, hoạt động này tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính chiều 7.1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu rõ, các tổ chức, cá nhân không phân biệt người nổi tiếng hay không, nếu phát sinh nghĩa vụ thuế theo các sắc thuế thì có trách nhiệm thực thi nghĩa vụ của mình theo quy định của luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.
“Tổng cục Thuế và các cơ quan liên quan đã xây dựng, làm giàu kho dữ liệu liên quan hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. Chúng tôi có dữ liệu lớn, sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Chi nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thuế, ngành thuế đã và đang xác định công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số trong nước và xuyên biên giới là nhiệm vụ trọng tâm để chống thất thu, đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam.
Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường quản lý thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, ngày 19.12.2024, ngành thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Các tính năng cơ bản của cổng gồm: đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, tra cứu; hướng dẫn sử dụng, tiếp nhận phản hồi từ người nộp thuế; tự động hóa và tích hợp hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện nghĩa vụ thuế…
Đối tượng được hỗ trợ là các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki…; các hộ, cá nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Cổng thông tin này được kỳ vọng tạo thêm một kênh hỗ trợ cho hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số trong nước thực hiện các thủ tục về thuế thuận tiện hơn; đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, minh bạch.
Năm 2024, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước đạt 116.000 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024 đã có thêm 48 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai nộp thuế tại Việt Nam, nâng tổng số lên 123 nhà cung cấp nước ngoài khai, nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế khai, nộp đạt 8.687 tỉ đồng, tăng 26% số thu cùng kỳ năm 2023.
Nguồn: https://thanhnien.vn/30000-nguoi-ban-hang-online-bi-truy-thu-phat-ca-nghin-ti-tien-thue-185250108111628885.htm