Người có chỉ số đường huyết cao, ợ nóng, sâu răng, viêm họng liên cầu khuẩn dễ bị khô miệng, hơi thở nặng mùi.
Ợ nóng
Thông thường hôi miệng là do vi khuẩn trong miệng gây ra. Một số người gặp tình trạng này do rối loạn tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Các triệu chứng của bệnh thường gặp là ợ nóng, đầy hơi, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, cản trở giấc ngủ, thói quen ăn uống.
Đường huyết cao
Hơi thở có mùi ngọt, gần giống như đường có thể là dấu hiệu nhiễm toan ceton do tiểu đường. Tình trạng này đe dọa tính mạng, có thể thể gây đau tim hoặc suy thận. Ngoài hơi thở có mùi, các triệu chứng khác của bệnh bao gồm đi tiểu thường xuyên, buồn nôn và cứng cơ. Đây thường là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu cao đến mức nguy hiểm, cần đi khám.
Hội chứng Sjogren
Hội chứng Sjogren (SS) là rối loạn của hệ thống miễn dịch, không rõ nguyên nhân, đặc trưng bởi triệu chứng khô mắt, niêm mạc miệng và cổ họng khô, hơi thở hôi. Hội chứng này có xu hướng xuất hiện ở phụ nữ trung niên và người mắc các bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp và lupus. Những người trẻ, khỏe mạnh cũng có thể gặp tình trạng này.
Sâu răng
Mảng bám tích tụ có thể làm mòn răng, gây sâu răng. Điều này xảy ra khi vi khuẩn trong miệng tạo ra axit tấn công men răng, gián tiếp dẫn đến hôi miệng. Hôi miệng là dấu hiệu cảnh báo của bệnh nướu răng.
Mỗi người nên vệ sinh răng miệng tốt bằng cách đánh răng hai lần một ngày, dùng thêm chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn mắc kẹt ở kẽ răng. Súc miệng góp phần loại bỏ vi khuẩn, miệng thơm mát hơn. Ngoài răng, lưỡi cũng chứa vi khuẩn. Nên dùng dụng cụ cạo lưỡi để làm sạch mảng bám, vi khuẩn tích tụ. Mỗi người nên hình thành thói quen khám răng hai lần trong năm, ngừng hút thuốc lá, ăn các món nhiều đường.
Viêm họng liên cầu khuẩn
Viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, không phải do virus, khiến hơi thở có mùi hôi. Bệnh có thể hồi phục hoàn toàn nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời trong vài ngày. Tình trạng không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như áp xe amidan, sốt thấp khớp, rối loạn tâm thần kinh tự miễn.
Mỗi người nên uống đủ nước, giúp loại bỏ mảnh vụn thức ăn còn thừa và cũng ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi trong miệng. Cơ thể thiếu nước dễ gây khô miệng, làm giảm tiết nước bọt. Thói quen nhai kẹo cao su không đường giảm vi khuẩn tích tụ ở nướu và lưỡi. Tránh thực phẩm gây hôi miệng như tỏi, hành tây, kiệu, soda, nước tăng lực, rượu, bia, ưu tiên trà xanh, thảo mộc…
Lê Nguyễn (Theo Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/6-tinh-trang-suc-khoe-khien-hoi-tho-co-mui-4837779.html