Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
HomeĐời SốngChẳng thà nhắn tin qua mạng xã hội rồi chờ... vài ngày...

Chẳng thà nhắn tin qua mạng xã hội rồi chờ… vài ngày chứ không thích gọi điện?

Liên hệ lần đầu, nhắn qua mạng xã hội hay gọi số điện thoại? - Ảnh 1.

Một số bạn trẻ lần đầu liên hệ công việc chọn cách gọi qua Zalo, Messenger thay vì gọi vào số điện thoại – Ảnh: MÂY TRẮNG

Có tình huống nhắn xong không thấy đối phương seen (đọc) và phản hồi, bạn trẻ chọn chờ đợi chứ nhất quyết không gọi điện cho nhanh. Trong khi đó, người được liên hệ nhiều khi không thích cách liên lạc qua mạng xã hội như vậy.

Một số người nhận định hiện nay dù có nhiều phương tiện liên lạc nhưng với những trao đổi công việc lần đầu, vốn cần sự nghiêm túc, chỉn chu, gọi điện thoại vẫn là cách nhiều người áp dụng.

Nhắn Facebook không thấy trả lời thì thôi luôn

Làm việc ở bộ phận quảng cáo của một công ty ở quận 1, TP.HCM, chị Hương Giang (30 tuổi) thường liên lạc khách hàng mới hoặc khách hàng có tiềm năng thông qua điện thoại trước.

Theo chị, gọi điện thoại đặt vấn đề, trao đổi sẽ chỉn chu, diễn tả đúng ý mình muốn hơn là qua tin nhắn. Trường hợp khách không nghe điện thoại, chị thường để lại tin nhắn, sau đó mới nhắn qua Messenger hoặc Zalo.

Ngược lại, một số người bạn của chị cho rằng cứ kết nối Zalo, Facebook, gọi, nhắn tin cho nhanh, lại không tốn tiền như khi gọi điện thoại. “Nhưng tôi thấy nếu mới quen biết, có nhu cầu trao đổi về công việc mà gọi qua Zalo, Messenger thì hơi bất tiện”, chị bày tỏ.

Làm việc, kết nối theo thói quen truyền thống nên khi trong công việc mà người khác liên lạc lần đầu bằng cách nhắn Facebook hoặc Zalo thì chị dễ bị bỏ lỡ.

Chị Giang nói: “Nhiều khi đang bận bịu hoặc 4G, WiFi yếu, tôi không nghe rõ bên kia nói gì. Họ lại phải gọi bằng số điện thoại. Còn người lạ mà nhắn tin Facebook thì sẽ dễ rơi vào mục tin nhắn chờ, không hiển thị cùng với danh sách tin nhắn của bạn bè”.

Chị gặp một số trường hợp bạn trẻ liên hệ công việc nhưng tin nhắn Messenger rơi vào mục tin nhắn chờ. Có khi một vài tuần lễ chị mới tình cờ vào xem. Đặc biệt, với những ai có lượng người theo dõi cao trên Facebook, nếu nhắn tin Messenger “khơi khơi” sẽ nguy cơ trôi vào quên lãng.

“Sau này khi tôi xem những tin nhắn chờ đó, có một số tin nhắn liên hệ cũng quan trọng. Nhưng không hiểu sao họ không gọi điện thoại hoặc đơn giản là để lại bình luận trên một status gần đây của người đó, để họ biết là có người cần liên hệ với mình”, chị chia sẻ.

Liên hệ lần đầu, nhắn qua mạng xã hội hay gọi số điện thoại? - Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ cho biết thời buổi hiện nay người ta chủ yếu liên lạc với nhau thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội vì có nhiều tiện ích, thay vì gọi qua số điện thoại – Ảnh: UNPLASH

“Đừng quá khắt khe phải gọi điện thoại”

Tuy nhiên, giữa các độ tuổi có sự khác biệt về điều này. Nhiều bạn trẻ cho biết thời thế đã thay đổi, giờ đây người ta chủ yếu liên lạc với nhau thông qua ứng dụng trên mạng. Số điện thoại chỉ còn để nghe… quảng cáo.

Linh Vũ (25 tuổi) nói mình thường liên lạc qua Messenger dù là lần đầu kết nối. Anh chia sẻ: “Phạm vi liên lạc công việc của tôi chủ yếu là những người cùng độ tuổi, hay dùng Messenger. Các bạn online thường xuyên, xem tin nhắn liên tục, không sợ trôi. 

Còn những mối liên lạc lớn tuổi hơn thì do cùng làm công việc sáng tạo nên họ cũng thoáng, không câu nệ chuyện phải gọi điện thoại trình bày trước”.

Theo Vũ, liên lạc qua phương tiện nào vào lần đầu kết nối cũng được, đừng quá khắt khe rằng phải gọi bằng điện thoại. “Hơn nữa giờ nhiều người thấy số điện thoại lạ thì không bắt máy, sợ là tiếp thị, quảng cáo, môi giới nhà đất… Rồi mình cũng phải kết bạn Zalo và nhắn tin trình bày thôi”, anh nói.

Vũ cho rằng nên tận dụng các kênh liên lạc, không chỉ điện thoại. Trong quá trình làm việc, Vũ nhận thấy một số bạn nếu gọi điện thoại không được thì nản luôn, không để lại tin nhắn hoặc bất cứ thông tin gì về lý do mình cần liên lạc.

Đồng quan điểm, anh Minh Vũ (nhân viên content marketing, ở quận 7) cho biết giữa thời buổi có nhiều cách liên lạc qua mạng xã hội, không nhất thiết phải gọi điện bằng số cá nhân, trừ những trường hợp cấp thiết.

“Kết bạn Zalo, Facebook để làm việc có thể check để biết người đó thế nào, cũng tránh được lừa đảo. Những lần làm việc sau đó gửi file cũng tiện, có gì đâu mà nói là không nghiêm túc.

Tôi còn thấy nhiều người làm việc qua tin nhắn trên Zalo hay Messenger để nếu có xảy ra tranh cãi, bất đồng thì còn bằng chứng để… chụp màn hình bóc phốt”, chàng trai 28 tuổi nói.

Thà đợi tin nhắn mấy ngày chứ không gọi

Thu Thủy ở quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết mình bị hội chứng sợ… gọi và nghe điện thoại, nên nếu không phải việc gì cấp thiết, cô chỉ nhắn tin. Nhắn Zalo không thấy trả lời, Thủy sẽ nhắn tin qua số điện thoại nhờ người kia check Zalo.

Do không gọi điện trực tiếp, trong công việc Thủy nhiều lần bị đối phương bỏ lỡ tin nhắn hoặc phải đợi rất lâu vì không có thời gian check.

“Có khi phải nhắn 5 lần 7 lượt người ta mới rep (trả lời), rep được 2 – 3 câu lại im lặng tiếp”, cô gái 24 tuổi nói và cho hay cũng có lúc đến lượt mình đọc tin nhắn xong lại quên trả lời khiến khách hàng khá khó chịu vì nghĩ cô chảnh.

Nguồn: https://tuoitre.vn/chang-tha-nhan-tin-qua-mang-xa-hoi-roi-cho-vai-ngay-chu-khong-thich-goi-dien-20241101111651199.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay