Vận động viên, công nhân, nhân viên văn phòng… dễ lây nhiễm cúm mùa khi làm việc trong môi trường đông đúc và tiếp xúc nhiều người.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên khi thời điểm lạnh, ô nhiễm không khí dịp cận Tết, nhiều bệnh lây lan qua đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm. Đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều người, không gian làm việc khép kín, gần nhau là nguyên nhân chính khiến những nhóm người sau đây dễ mắc cúm:
Nhân viên văn phòng
Dân văn phòng có nguy cơ cao mắc cúm mùa do làm việc trong không gian chung, đông người, nhiệt độ thấp và sử dụng hệ thống điều hòa không khí toàn bộ tòa nhà. Việc vệ sinh máy lạnh không thường xuyên, bộ lọc máy không tốt sẽ làm không khí bị nhiễm khuẩn và góp phần lây lan cúm.
Ước tính một người lao động có thể mắc 4-6 lần cúm trong năm và lây nhiễm chéo cho nhiều đồng nghiệp. Bên cạnh đó, việc người lao động tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm là yếu tố góp phần làm tăng khả năng lây lan virus tại nơi làm việc, theo nghiên cứu năm 2019 đăng tải tại ScienceDirect. Ngoài văn phòng phẩm như máy photocopy, bàn phím, bàn làm việc, virus còn có thể lây lan qua các bề mặt như tủ lạnh, vòi nước, thanh đẩy ở lối ra.
Nhân viên y tế
Theo WHO, nhân viên y tế là một trong số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất, đồng thời là mắt xích liên quan đến việc lây truyền virus cúm sang nhóm bệnh nhân được chăm sóc và điều trị. Nhân viên y tế có thể phải nghỉ làm, ảnh hưởng đến việc chăm sóc bệnh nhân.
Giáo viên
Bên cạnh bệnh viện, trường học cũng là nơi virus cúm dễ dàng lây nhiễm và lan rộng. Trẻ đi học tiếp xúc gần với bạn bè, thầy cô sẽ gia tăng tỷ lệ lây nhiễm chéo.
Cúm A và cúm B đều lây truyền qua đường hô hấp từ các giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện… Thí nghiệm “buồng ho” cho thấy tốc độ của giọt bắn chứa virus lên tới 1,2 mét mỗi giây, phát tán khá nhanh ngay cả ở khoảng cách an toàn theo khuyến cáo là 2 mét. Như vậy, giáo viên có nguy cơ cao lây nhiễm cúm và lây nhiễm cho học sinh và cộng đồng.
Công nhân
Công nhân có thể nhiễm cúm “dây chuyền” khi làm việc, sinh hoạt chung trong khuôn viên đông đúc, giao tiếp thường xuyên, ăn uống cùng bàn và chạm vào những vật dụng, thiết bị dùng chung. Theo nghiên cứu, virus cúm A/H1N1 có khả năng lây nhiễm trong 48 giờ trên bề mặt gỗ, 24 giờ trên bề mặt thép không gỉ và nhựa, trong 8 giờ trên bề mặt vải. Người bệnh có thể lây truyền cúm A/H1N1 trước 1 ngày xuất hiện triệu chứng và 1 tuần sau khi khởi phát bệnh.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, 60,6% lao động sẽ mất 48 giờ nghỉ việc do cúm và trung bình hao hụt 27,48 đô la cho một giờ nghỉ làm.
Vận động viên
Vận động viên thường di chuyển đến các vùng địa lý khác nhau để tập luyện hoặc thi đấu. Thời tiết, khí hậu nước sở tại thay đổi so với môi trường tập luyện quen thuộc. Khi thời tiết quá nóng hoặc lạnh đột ngột, có thể gây sốc nhiệt, giảm phản ứng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, trong đó có cúm. Thay đổi môi trường đột ngột còn dẫn đến stress, suy yếu khả năng miễn dịch tự nhiên, tạo cơ hội cho virus cúm xâm nhập.
Vào năm 2018, một vận động viên thể hình 21 tuổi người Mỹ đã qua đời sau 5 ngày mắc virus cúm. Kết luận cho thấy nguyên nhân cái chết có thể từ việc cơ thể của anh không kịp thích ứng với cú sốc nhiễm khuẩn mà virus cúm gây ra.
Cách phòng cúm mùa
Bác sĩ Chính cho rằng không nên chủ quan, xem nhẹ bệnh cúm. Tại Việt Nam, cúm diễn ra quanh năm, trong đó ghi nhận nhiều ca mắc vào mùa đông xuân. Thông thường, người mắc cúm có thể hồi phục trong vòng một tuần mà không cần điều trị. Song bệnh có tỷ lệ trở nặng, biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Nguy cơ trở nặng cao ở nhóm trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý mạn tính, người cao tuổi.
WHO và Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine là cách ngừa cúm hiệu quả. Hiện Việt Nam có vaccine cúm giúp phòng các chủng cúm gồm cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B (Yamagata, Victoria), tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 9 tuổi có lịch tiêm hai mũi, từ 9 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi, tất cả nhắc lại một mũi mỗi năm.
Ngoài ra, người dân nên tiêm mũi ngừa phế cầu để tránh bội nhiễm khi mắc cúm. Với vaccine phế cầu, hiện có 3 loại gồm mũi ngừa 10 chủng, 13 chủng và 23 chủng phế cầu. Mỗi loại có lịch tiêm khác nhau. Người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi phế cầu 13 và 23, nhắc lại phế cầu 23 theo chỉ định của bác sĩ.
Với những ngành nghề có đặc thù môi trường khép kín, tiếp xúc nhiều người như trên, ngoài tiêm chủng, bác sĩ Chính khuyến cáo chủ động phòng bệnh bằng cách mặc đủ ấm, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên với xà phòng và duy trì chế độ ăn uống đầy đủ. Nếu nhận thấy các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không nên tự ý dùng thuốc vì có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Bình An
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.
Nguồn: https://vnexpress.net/ai-de-nhiem-cum-mua-4838007.html