Uống nước hay uống trà: Thói quen nào tốt hơn cho sức khỏe thận?
Trong nhịp sống hiện đại, nhiều người coi việc uống nước mỗi ngày là “liều thuốc cứu mạng” không thể thiếu, trong khi không ít người lại say mê hương vị trà, tin rằng đây là “bí quyết dưỡng sinh”.
Xét từ góc độ sức khỏe thận, liệu giữa những người uống nước thường xuyên và những người yêu thích trà, ai đang chăm sóc thận tốt hơn?
Nước – Bạn thân thiết nhất của thận
Thận đóng vai trò như một “nhà máy lọc” không ngừng nghỉ, giúp cơ thể loại bỏ độc tố và chất thải qua đường nước tiểu.
Để thực hiện nhiệm vụ này, nước là yếu tố không thể thiếu. Việc uống đủ nước giúp pha loãng nồng độ các chất trong nước tiểu, giảm nguy cơ hình thành sỏi thận và các bệnh lý về đường tiết niệu.
Nghiên cứu cho thấy, những người uống ít nước có nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu cao hơn. Đây là một trong những thành phần chính gây sỏi thận.
Trái lại, uống đủ nước không chỉ giúp thận “rửa sạch” chất thải mà còn cải thiện lưu thông máu, giảm gánh nặng làm việc của thận. Tuy nhiên, uống nước cũng cần đúng cách.
Trung bình, mỗi người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 1.500-2.000ml nước/ngày, tùy thuộc vào cân nặng, mức độ vận động và thời tiết.
Trà: Tốt cho thận nếu dùng đúng cách
Trà, với hương vị thơm ngon và lợi ích nổi bật như: chống oxy hóa và hỗ trợ tim mạch, đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người.
Tuy nhiên, với thận, trà lại có những mặt trái cần đề cập. Một số thành phần trong trà, như axit oxalic và caffeine, có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, đặc biệt khi uống trà đặc hoặc quá nhiều.
Caffeine trong trà có tác dụng lợi tiểu, thúc đẩy cơ thể thải nước nhanh hơn. Điều này dẫn đến nguy cơ mất nước nếu không bổ sung kịp thời, làm tăng gánh nặng cho thận.
Đồng thời, axit oxalic có thể làm tăng nồng độ chất này trong nước tiểu, khiến những người có tiền sử sỏi thận dễ bị tái phát hơn.
Dù vậy, uống trà với liều lượng vừa phải lại mang đến nhiều lợi ích. Chất catechin và polyphenol trong trà xanh có khả năng chống viêm, giảm tác động của các gốc tự do và bảo vệ sức khỏe thận.
Do đó, chìa khóa nằm ở sự cân bằng: Không nên dùng trà thay thế hoàn toàn nước lọc, và mỗi ngày chỉ nên uống 2-3 cốc trà loãng để hỗ trợ sức khỏe.
Nước và trà: Làm sao để cân bằng?
Từ góc độ sức khỏe thận, nước là yếu tố không thể thay thế, trong khi trà chỉ nên được xem là một thức uống bổ trợ. Đối với những người có nguy cơ cao về bệnh thận, như sỏi thận hoặc suy giảm chức năng thận, nên ưu tiên uống nước và hạn chế trà, đặc biệt là trà đặc.
Mỗi ngày, hãy duy trì thói quen uống nước từng ngụm nhỏ, trải đều trong ngày để cơ thể luôn đủ nước mà không gây áp lực đột ngột lên thận. Nếu uống trà, hãy chọn các loại trà xanh ít oxalat, uống với lượng vừa phải, tránh dùng trà đặc để giảm nguy cơ gây hại.
Sức khỏe thận không phải chuyện “một sớm một chiều”. Chăm sóc thận là một hành trình lâu dài, bắt đầu từ những thói quen đơn giản như uống nước đúng cách và biết tiết chế khi sử dụng các loại đồ uống khác. Nhớ rằng, yêu thương thận chính là yêu thương cơ thể.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/uong-nuoc-loc-hay-tra-tot-hon-cho-than-20250120081351440.htm