Hà NộiCầu thủ Nguyễn Xuân Son có thể trạng dễ tăng cân nên được các bác sĩ siết chặt chế độ tập vật lý trị liệu và dinh dưỡng kiểm soát calo trong ít nhất 6 tháng sau phẫu thuật.
Ngày 9/1, ThS Nguyễn Quyết Thắng, Kỹ thuật viên trưởng tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Y học Thể thao, Bệnh viện Vinmec, cho biết hai ngày sau phẫu thuật kết xương gãy, các chuyên gia đã xây dựng một kế hoạch tập luyện chi tiết, với phác đồ rõ ràng cho từng ngày, nhằm tối ưu hóa sức bền, sức mạnh và khả năng phục hồi cho Xuân Son.
Đến nay, anh đã cùng bác sĩ thực hiện một số bài tập vận động tại chỗ như tăng cường cơ đùi, gân kheo, cơ khép, cơ dạng; tập cổ chân với dây kháng lực; tập cơ mông nhằm hỗ trợ ổn định vùng chậu, tăng sức mạnh vùng hông. Đồng thời, anh tập tạ tay để duy trì sức mạnh cho vai và cơ bắp tay, nhằm đảm bảo khối lượng và sức mạnh chi trên trong giai đoạn hồi phục.
“Lộ trình phục hồi chức năng của Xuân Son kéo dài ít nhất 6 tháng, chia làm 4 giai đoạn với mục tiêu rõ ràng”, ThS Thắng nói. Trong 1-2 tuần đầu, mục tiêu là kiểm soát đau, phục hồi khả năng di chuyển và phòng ngừa các biến chứng. Đây cũng là giai đoạn nền tảng quyết định cho quá trình hồi phục. Son sẽ tập trung vào các bài tập thụ động và chủ động, được thiết kế theo phác đồ cá nhân hóa.
Giai đoạn đầu, Xuân Son được hỗ trợ bởi các thiết bị hiện đại như hệ thống chườm lạnh tiêu chuẩn châu Âu, máy kích thích điện giảm đau, ngăn ngừa teo cơ, robot hỗ trợ tập luyện, cùng hệ thống tập cơ phản hồi sinh học từ Đức và hệ thống thăng bằng tĩnh động chuyên nghiệp. Các giai đoạn tiếp theo, nam cầu thủ được hướng đến tăng cường sức mạnh, cải thiện tầm vận động, thăng bằng và chuẩn bị thể lực.
Sau 6 tháng tập luyện cường độ tối đa, nếu đạt tiêu chuẩn, Son sẽ được phép thi đấu trở lại, còn để trở lại thi đấu đỉnh cao cần khoảng 8 tháng, theo các bác sĩ.
“Thách thức lớn nhất với Xuân Son là việc chuyển đổi từ hoạt động cường độ cao sang trạng thái chấn thương buộc phải hạn chế vận động”, ThSThắng nói, thêm rằng điều này không chỉ ảnh hưởng về thể chất mà còn cả tinh thần, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như dinh dưỡng, tâm lý, phục hồi chức năng, phẫu thuật, cùng sự hiểu biết và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của nam cầu thủ.
Giáo sư Trần Trung Dũng, Giám đốc Chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình và Cơ xương khớp, cho hay để tối ưu hóa kết quả, ngoài tập phục hồi chức năng, Son được theo dõi chế độ dinh dưỡng hàng ngày, điều chỉnh dựa trên nhu cầu cá nhân và cường độ luyện tập.
“Xuân Son thể trạng dễ tăng cân, lại có sở thích ăn bánh chuối, cá kho nên chỉ cần giảm cường độ tập luyện một chút là có thể tăng từ 90 lên 100 kg”, GS Dũng giải thích.
Đối với một vận động viên, tăng cân không chỉ ảnh hưởng đến sức mạnh mà còn gây áp lực lên các khớp và xương đang trong giai đoạn phục hồi. Cân nặng và thể trạng của Xuân Son với bóng đá hiện phong độ cao nhất. Vì thế, mục tiêu hiện tại không giảm cân mà là kiểm soát cân nặng và không bị giảm cơ, các khối cơ vẫn đảm bảo duy trì.
Các bác sĩ xây dựng chế độ dinh dưỡng riêng biệt cho Son, giảm nhiều so với bình thường, với lượng calo được tính toán kỹ lưỡng mỗi ngày, cung cấp đủ năng lượng để duy trì cơ bắp nhưng không gây tăng cân. Các thông số như cân nặng, chu vi đùi và sức cơ được theo dõi hàng ngày để đảm bảo cầu thủ luôn ở trạng thái tốt nhất.
Xuân Son, tên Brazil là Rafaelson, sinh năm 1997, nhập quốc tịch Việt Nam vào tháng 9/2024. Anh trở thành cầu thủ nhập tịch không có gốc gác Việt Nam đầu tiên được gọi lên ĐTQG kể từ năm 2009. Xuân Son bị chấn thương trong trận đấu chung kết ASEAN Cup trên sân Rajamangala, Thái Lan tối 5/1, khi đi bóng rồi cố rướn người chuyền vào cấm địa Thái Lan.
Sau ca phẫu thuật kết xương thành công tối 6/1, Xuân Son cần hai tháng để xương liền sau phẫu thuật và 6 tháng để tập luyện, nếu thuận lợi có thể quay trở lại với bóng đá đỉnh cao trong 8 tháng nữa.
Lê Nga
Nguồn: https://vnexpress.net/xuan-son-tap-luyen-an-kieng-theo-lo-trinh-6-thang-phuc-hoi-chuc-nang-4837328.html