Ngày 16-1 (giờ địa phương), tại Phủ Thủ tướng ở thủ đô Warsaw, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân và đoàn đại biểu Việt Nam thăm chính thức Ba Lan.
Sau lễ đón, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Donald Tusk có cuộc gặp hẹp, đồng thời dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm. Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi và thống nhất những định hướng lớn và những biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất với Thủ tướng Donald Tusk 6 nhóm biện pháp lớn. Một là, tăng cường tin cậy chính trị, hướng tới nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược trong thời gian tới. Tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân.
Hai là, nâng cao hiệu quả, đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột trong quan hệ song phương, phấn đấu sớm đạt kim ngạch thương mại hai chiều 5 tỉ USD; tăng cường kết nối hai nền kinh tế gồm kết nối mềm và kết nối cứng.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng. Bốn là, thúc đẩy hợp tác giáo dục – đào tạo thông qua triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học được ký nhân chuyến thăm; thúc đẩy hợp tác lao động – lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng giữa hai nước – đặc biệt là đào tạo nhân lực liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip.
Năm là, tăng cường giao lưu nhân dân, phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia trong năm 2025.
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Việt Nam đã quyết định miễn thị thực cho công dân Ba Lan trong năm 2025. Sáu là, tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Donald Tusk nhất trí hai bên xem xét sớm nâng cấp quan hệ. Thủ tướng đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Ba Lan ở châu Á – Thái Bình Dương.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Ba Lan quan tâm mở rộng kinh doanh đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Ba Lan sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA), ủng hộ Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng với thủy sản Việt Nam.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ, giao thông vận tải, kết nối đường sắt, dược phẩm, giáo dục – đào tạo, văn hóa – du lịch và giao lưu nhân dân. Đồng thời, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, lao động… Hai bên nhất trí sẽ trở thành cửa ngõ cho hàng hóa của nhau vào thị trường ASEAN và EU.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đề nghị chính phủ Ba Lan tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, trong đó có việc sớm công nhận cộng đồng là một dân tộc thiểu số của Ba Lan.
Trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có biển Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ba Lan ủng hộ lập trường trung tâm của ASEAN về vấn đề này. Theo đó, các tranh chấp và xung đột trên thế giới cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Nhân dịp này, hai bên đã ký một số văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao và lao động.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc hội kiến với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Thủ tướng cùng phu nhân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm các liệt sĩ vô danh ở Quảng trường Chiến thắng mang tên Nguyên soái Jozef Piłsludski; gặp gỡ cán bộ, nhân viên đại sứ quán, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có khoảng 25.000 người, có truyền thống đoàn kết, hướng về Tổ quốc, có nhiều đóng góp cho sở tại và quan hệ hai nước, được chính quyền Ba Lan đánh giá cao.
Nguồn: https://nld.com.vn/som-nang-tam-quan-he-viet-nam-ba-lan-196250116215724817.htm