Chủ Nhật, Tháng Một 26, 2025
HomeKinh DoanhĐề xuất công nghệ mới xây cao tốc, đường sắt đô thị...

Đề xuất công nghệ mới xây cao tốc, đường sắt đô thị theo tiêu chí nhanh, rẻ, tốt

Đề xuất công nghệ mới xây cao tốc, đường sắt đô thị theo tiêu chí nhanh, rẻ, tốt - Ảnh 1.

Một đoạn cao tốc cầu cạn 2 tầng được Hoa Binh Group xây dựng tại khu phi thuế quan Xuân Cầu – Lạch Huyện đã được thử tải thành công – Ảnh: N.Q.

Giảm vốn, rút ngắn thời gian xây dựng?

Trước thềm Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, do Ban Bí thư tổ chức ngày 13-1-2025, Công ty TNHH Hòa Bình (Hoa Binh Group) đã có văn bản gửi Tổng Bí thư – trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số – đề xuất xây dựng đường cao tốc, đường sắt đô thị trên cao bằng công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+.

Đại diện Hoa Binh Group cho biết công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+ được doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm thành công tại khu phi thuế quan Xuân Cầu – Lạch Huyện (TP Hải Phòng) thời gian qua.

Vì thế doanh nghiệp đề xuất cho ứng dụng công nghệ này để xây dựng đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành lên 8-10 làn xe, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành thời gian tới.

Công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+ sử dụng cọc bê tông ly tâm dự ứng lực và tấm panel bản rỗng có sườn dự ứng lực để xây dựng đường cao tốc cầu cạn trên cao, đường sắt đô thị trên cao thay thế cho công nghệ xây dựng cao tốc cầu cạn theo công nghệ đúc cọc, dầm bê tông tại chỗ, tốn nhiều chi phí, thời gian hơn.

Giải thích về sự khác biệt của công nghệ này, TS Trần Bá Việt, phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiêm phó chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, cho biết công nghệ đã được áp dụng trong xây dựng cao tốc cầu cạn tại Trung Quốc, Indonesia, Đức và Đài Loan những năm qua.

“Với công nghệ mới các cấu kiện bê tông để xây cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao được chuẩn hóa, đúc sẵn, sản xuất đồng loạt tại các nhà máy, không phải tiến hành đổ bê tông cọc, dầm trực tiếp trên công trường, vì thế thi công nhanh hơn, chất lượng dầm, cọc bảo đảm. Đặc biệt, do cấu kiện bê tông được sản xuất đồng loạt trong nhà máy nên rất tiết kiệm” – ông Việt cho biết.

Đề xuất công nghệ mới xây cao tốc, đường sắt đô thị theo tiêu chí nhanh, rẻ, tốt - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Đường, chủ tịch Hoa Binh Group từng gây chú ý dư luận khi xây khách sạn dát vàng tại quận trung tâm Hà Nội – Ảnh: B.NGỌC

Đề xuất áp dụng công nghệ mới làm vành đai 4 vùng thủ đô

Kết quả kiểm định công trình thử nghiệm cao tốc cầu cạn 2 tầng bằng công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+, do Hoa Binh Group phối hợp với nhóm chuyên gia từ Đức, Nhật Bản, Trung Quốc và Indonesia xây dựng tại khu phi thuế quan Xuân Cầu – Lạch Huyện được Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Đại học Giao thông vận tải, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm định, đánh giá đạt và vượt tiêu chuẩn xây dựng cao tốc cầu cạn tại Việt Nam.

Theo tính toán của Viện Kinh tế xây dựng, suất đầu tư 1m2 cao tốc cầu cạn khi áp dụng biện pháp công nghệ thi công mới do Hoa Binh Group đề xuất khoảng 12 – 13 triệu đồng/m2. Trong khi 1m2 cao tốc cầu cạn xây dựng theo công nghệ cũ hiện nay từ 30-39 triệu đồng/m2.

Nếu áp dụng công nghệ mới do Hoa Binh Group đề xuất thì vốn đầu tư các tuyến cao tốc cầu cạn thời gian tới bằng 1/3 vốn đầu tư những tuyến cao tốc cầu cạn hiện hữu.

Và việc áp dụng công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+ xây dựng đường vành đai 4 vùng thủ đô (chiều dài khoảng 113km) trong những năm tới theo ông Nguyễn Hữu Đường – chủ tịch Hoa Binh Group, sẽ tiết kiệm rất lớn cho ngân sách.

Tổng vốn đầu tư sơ bộ đường vành đai 4 vùng thủ đô được duyệt hiện nay khoảng 86.000 tỉ đồng, quy mô xây dựng 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp.

Ông Đường tính toán nếu áp dụng công nghệ mới, với chi phí đầu tư khoảng 56.200 tỉ đồng (thấp hơn tổng vốn sơ bộ được duyệt khoảng 29.800 tỉ đồng), Hoa Binh Group có thể xây dựng tuyến cao tốc cầu cạn có mặt cắt rộng 40,8m, quy mô 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp và đầu tư mở rộng thêm 8,6m đường tàu điện trên cao chạy song song.

Tương tự, với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành lên 8-10 làn xe (22km) và xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành (41,83km), nếu áp dụng công nghệ cũ tổng vốn đầu tư ban đầu 2 dự án này khoảng 99.700 tỉ đồng, nhưng nếu đầu tư theo công nghệ mới vốn đầu tư chỉ khoảng 30.000 tỉ đồng. Tiến độ thi công các dự án cũng được rút ngắn so với đầu tư bằng công nghệ cũ.

Phó thủ tướng giao các bộ, TP Hà Nội nghiên cứu công nghệ do Hoa Binh Group đề xuất

Tháng 12-2024, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đánh giá toàn diện các tiêu chí kỹ thuật, kinh tế, môi trường của giải pháp cầu bản trên cọc PRC V+ khi triển khai trên quy mô lớn.

Đồng thời giao các bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội khảo sát thực địa công trình thử nghiệm của Hoa Binh Group.

Đề xuất công nghệ mới xây cao tốc, đường sắt đô thị theo tiêu chí nhanh, rẻ, tốt - Ảnh 4.Làm cầu cạn cho các cao tốc phía Nam: tại sao không?

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương là tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam có chiều dài 41km, trong đó có 14km cầu cạn. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho những cao tốc sắp tới ở đồng bằng miền Nam Việt Nam.

Nguồn: https://tuoitre.vn/de-xuat-cong-nghe-moi-xay-cao-toc-duong-sat-do-thi-theo-tieu-chi-nhanh-re-tot-20250113110020255.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay