Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeThời SựChủ tịch TPHCM nói về việc Vingroup muốn đầu tư metro tới...

Chủ tịch TPHCM nói về việc Vingroup muốn đầu tư metro tới Cần Giờ

Sau ý kiến của Thủ tướng tại hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra ngày 4/1, TPHCM đã làm việc với Tập đoàn Vingroup về đề xuất xây tuyến tàu điện nối trung tâm thành phố với Cần Giờ. Phía nhà đầu tư mong muốn tự chi tiền nghiên cứu làm tuyến metro này.

Theo Vingroup, tuyến metro mới sẽ đảm bảo sự kết nối giữa Cần Giờ với khu vực trung tâm, đưa huyện đảo trở thành trung tâm phát triển mới của TPHCM. Mặt khác, việc kết hợp giữa đầu tư tuyến đường sắt đô thị với việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ sẽ đảm bảo sự đồng bộ giữa các hệ thống kỹ thuật.

Chủ tịch TPHCM nói về việc Vingroup muốn đầu tư metro tới Cần Giờ - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).

Trong cuộc gặp gỡ báo chí dịp Tết Ất Tỵ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết đây sẽ là cách thức huy động nguồn lực cho các dự án lớn trên địa bàn thời gian tới. Việc huy động nguồn lực xã hội có vai trò quan trọng trong sự phát triển của TPHCM, đặc biệt trong bối cảnh toàn địa bàn cần ít nhất 4,4 triệu tỷ đồng để đầu tư các dự án từ nay đến năm 2030, làm nền tảng đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Khuyến khích nhà đầu tư tham gia

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sau hội nghị công bố quy hoạch, TPHCM đã làm việc với Vingroup và thống nhất nhiều nội dung quan trọng về định hướng xây dựng tuyến metro nối khu trung tâm với huyện Cần Giờ. Trong đó, nhà đầu tư sẽ chi kinh phí cho khâu nghiên cứu, các cơ quan của thành phố sẽ phối hợp, hỗ trợ trong suốt quá trình, cập nhật dự án vào các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu để tạo điều kiện thuận lợi nhất.

“Không chỉ Vingroup đối với dự án này mà thành phố cũng phối hợp cùng các nhà đầu tư khác ở nhiều dự án. Sau khi công bố quy hoạch, hoàn thiện các quy hoạch khác, chúng tôi rất khuyến khích các nhà đầu tư đề xuất tham gia các dự án lớn”, Chủ tịch UBND TPHCM nói.

Chủ tịch TPHCM nói về việc Vingroup muốn đầu tư metro tới Cần Giờ - 2

Đường Rừng Sác là tuyến đường độc đạo nối khu vực ven biển với phà Bình Khánh để về trung tâm TPHCM (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Cách thức thực hiện đối với các dự án được nhà đầu tư đề xuất là TPHCM đồng hành, hỗ trợ tích cực, cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục để các đơn vị có thể triển khai nhanh nhất. Lãnh đạo TPHCM cho rằng, với cách làm này, địa phương sẽ có nguồn lực lớn đổ vào dự án, tạo ra những đóng góp ấn tượng để đạt chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Để huy động nguồn lực ngoài ngân sách, TPHCM cũng tính toán các phương án, cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong đó, địa phương cũng xem xét việc phát hành trái phiếu, tạo thêm chính sách mới để thu hút nguồn lực kiều hối.

“Vừa rồi, HFIC (Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM) đã có cơ chế phối hợp với một ngân hàng để cho dự án vay. HFIC bỏ ra 2 đồng ngân sách, phía ngân hàng bỏ 8 đồng còn lại. Những cơ chế thu hút nguồn vốn như vậy sẽ được phát huy thời gian tới”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Chủ tịch TPHCM nói về việc Vingroup muốn đầu tư metro tới Cần Giờ - 3

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast)

Chia sẻ thêm về các dự án lớn tại huyện Cần Giờ, ông Phan Văn Mãi cho biết, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mang tính chiến lược, đóng góp cho sự phát triển không chỉ của TPHCM mà cả khu vực và cả nước. Sau khi đi vào hoạt động, cảng Cần Giờ sẽ cùng cảng Cái Mép hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế, khẳng định vị trí Việt Nam trên bản đồ cảng biển toàn cầu.

“Chúng tôi phấn đấu ngày 2/9 sẽ khởi công, triển khai giai đoạn 1 của dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Tôi tin rằng, ngoài việc khẳng định vị trí Việt Nam trên bản đồ cảng biển quốc tế, dự án sẽ đóng góp tích cực cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạo việc làm và tạo nguồn thu ngân sách lớn”, Chủ tịch UBND TPHCM nhận định.

Làm nhiều tuyến metro mới cùng lúc

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ thêm, hiện tại TPHCM cùng Hà Nội làm việc rất tập trung với Bộ Giao thông Vận tải để chuẩn bị hồ sơ về đề án đường sắt đô thị. Dự kiến, đề án được trình Quốc hội vào giữa năm nay để ban hành một nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đường sắt đô thị.

“Chắc chắn các chính sách sẽ được thiết kế rất vượt trội từ công tác chuẩn bị, cơ chế thầu. Ví dụ, cơ chế chìa khóa trao tay để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án còn 3-5 năm, thời gian thi công cũng chỉ 3-5 năm. Song song là vấn đề huy động nguồn vốn, đào tạo nhân sự, giải quyết bài toán tài chính và mô hình TOD (phát triển đô thị theo trục giao thông công cộng”, Chủ tịch TPHCM thông tin.

Chủ tịch TPHCM nói về việc Vingroup muốn đầu tư metro tới Cần Giờ - 4

TPHCM cùng Hà Nội đang làm việc rất tập trung với Bộ Giao thông Vận tải để chuẩn bị hồ sơ về đề án đường sắt đô thị (Ảnh: Nam Anh).

Sau khi nghị quyết được Quốc hội ban hành, TPHCM dự kiến khởi công tuyến Metro số 2 và áp dụng các cơ chế, chính sách mới như một thí điểm. Các tuyến metro còn lại của TPHCM sẽ khởi công theo từng nhóm thay vì từng tuyến.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng, để kịp hoàn thành 335km metro trong 10 năm tới, việc thực hiện từng tuyến như trước đây sẽ không thể đáp ứng tiến độ. Thay vào đó, thành phố sẽ khởi công theo từng nhóm từ 3 đến 5 tuyến cùng lúc.

“Ví dụ, trong 3 năm nữa, thành phố chuẩn bị nhóm 3-4 tuyến metro để khởi công giai đoạn 2027-2028, hoàn thành vào năm 2031-2032. Song song là việc chuẩn bị cho nhóm các tuyến metro khác để khởi công năm 2029-2030 và hoàn thành vào năm 2035”, ông Phan Văn Mãi phân tích.

Trong quá trình thực hiện các tuyến metro, TPHCM sẽ mời các tư vấn quốc tế về thiết kế, quản lý dự án. Điều này nhằm đáp ứng được khối lượng công việc khổng lồ cần hoàn thành trong thời gian ngắn.

Đối với tuyến Metro số 1 vừa đưa vào khai thác, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, khâu vận hành cần được hoàn thiện thời gian tới. Yêu cầu quan trọng là đảm bảo độ an toàn ở mức cao nhất. Cùng với đó, địa phương tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh toán cho nhà thầu, giải quyết các vướng mắc và yêu cầu chính đáng giữa các bên liên quan dự án.

Chủ tịch TPHCM nói về việc Vingroup muốn đầu tư metro tới Cần Giờ - 5

TPHCM sẽ làm đồng loạt các tuyến metro thay vì riêng lẻ từng tuyến (Ảnh: Nam Anh).

Theo phụ lục danh mục hệ thống đô thị TPHCM vừa được Thủ tướng thông qua, TPHCM bổ sung 2 tuyến đường sắt, thay vì 10 tuyến như đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Cụ thể, tuyến đường sắt số 11 (tuyến ven sông) sẽ được thực hiện bằng loại hình LRT (đường sắt nhẹ) đi từ điểm đầu quận Bình Tân và kết thúc tại huyện Củ Chi với quy mô 48,7km. 

Tuyến số 12 được Thủ tướng đánh giá có tiềm năng kết nối huyện Cần Giờ, lộ trình dự kiến đi từ quận 7 đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, quy mô 48,7km. Loại hình dự kiến là LRT hoặc MRT (đường sắt nhẹ hoặc tàu điện ngầm).

Theo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM xác định mục tiêu hoàn thành 355km metro vào năm 2035, thay vì kế hoạch trước đó là 183km vào năm 2035. Đồng thời, TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ 510km hệ thống metro vào năm 2045, thay vì vào năm 2060. 

Chủ tịch TPHCM nói về việc Vingroup muốn đầu tư metro tới Cần Giờ - 6

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-tphcm-noi-ve-viec-vingroup-muon-dau-tu-metro-toi-can-gio-20250122081218461.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay