Trong tuần đầu tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã ghi nhận hai vụ tấn công gây rúng động dư luận, khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương. Hai nghi phạm chính trong các vụ việc này vừa bị thi hành án tử hình.
Fan Weiqiu, 62 tuổi, đã lái xe đâm thẳng vào đám đông đang tập thể dục bên ngoài một sân vận động tại thành phố Chu Hải, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Đây được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Trung Quốc trong vòng một thập kỷ qua. Vài ngày sau, Xu Jiajin, 21 tuổi, thực hiện một vụ tấn công bằng dao tại trường đại học ở thành phố Vô Tích, khiến 8 người thiệt mạng và 17 người bị thương.
Giới chức cho biết Fan đã thực hiện hành động này vì “bất mãn” với cách phân chia tài sản sau vụ ly hôn của ông, trong khi Xu gây ra vụ tấn công vì “không nhận được bằng tốt nghiệp do kết quả thi kém”.
Fan bị bắt ngay tại hiện trường vào ngày 11/11, với những vết thương tự gây ra. Vào tháng 12, ông Fan bị kết tội “gây nguy hiểm cho an toàn công cộng”. Tòa án nhận định hành động của ông xuất phát từ động cơ “đê hèn” và được thực hiện bằng những cách thức “đặc biệt tàn nhẫn”.
Chỉ chưa đầy một tháng sau khi nhận án tử hình, ông Fan đã bị thi hành án vào ngày thứ Hai (20/1).
Trong vụ của Xu, cảnh sát cho biết anh ta đã “không chút do dự” thú nhận tội ác của mình vào ngày 16/11. Anh ta bị kết án tử hình vào ngày 17/12, tòa án nhận định rằng hoàn cảnh vụ án “đặc biệt nghiêm trọng” và “cực kỳ tồi tệ”.
Trung Quốc gần đây đã phải đối mặt với một loạt vụ bạo lực công cộng, với nhiều kẻ tấn công được cho là muốn “trả thù xã hội” – khi những người thực hiện nhắm mục tiêu vào người lạ do những bất bình cá nhân của họ.
Năm 2024, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 19 vụ tấn công công cộng, nhiều vụ xuất phát từ ý định “trả thù xã hội” của những kẻ bất mãn.
Chỉ vài ngày sau các vụ tấn công ở Chu Hải và Vô Tích, một người đàn ông đã lái xe đâm vào một đám đông trẻ em và phụ huynh bên ngoài một trường tiểu học ở thành phố Thường Đức, khiến 30 người bị thương.
Giới chức cho biết người đàn ông này, Huang Wen, muốn trút giận sau khi chịu những tổn thất đầu tư và xung đột gia đình. Huang bị kết án tử hình treo vào tháng trước – có thể được giảm xuống tù chung thân nếu ông không phạm thêm tội trong hai năm tới.
Các nhà phân tích trước đó trao đổi với BBC rằng chuỗi các vụ giết người hàng loạt này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về cách người dân Trung Quốc đang đối mặt với những áp lực ngày càng lớn trong cuộc sống. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là tình trạng kinh tế trì trệ, tạo thêm gánh nặng cho người dân.
Bên cạnh đó, các phương tiện để giải tỏa căng thẳng dường như ngày càng bị thu hẹp hoặc bị loại bỏ hoàn toàn trong những năm gần đây. Điều này khiến nhiều người không tìm được cách thích hợp để đối phó với cảm xúc và áp lực cá nhân.
Sự kết hợp của các yếu tố này khiến xã hội Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn, tương tự như một nồi áp suất đang bị dồn nén. “Những căng thẳng này dường như đang gia tăng, và không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ sớm được cải thiện”, George Magnus, nhà kinh tế học tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, nhận định.
Nguồn: BBC
Nguồn: https://kenh14.vn/cai-ket-cuoi-cung-cho-ke-lai-xe-dien-tra-thu-doi-khien-35-nguoi-thiet-mang-tham-khoc-gay-rung-dong-trung-quoc-215250120163754932.chn